Đến nay, mới có 85/140 khu nhà ở tái định cư do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý đã thành lập được ban quản trị và vận hành theo quy định.
55 tòa nhà còn lại gặp vướng mắc chủ yếu là không thể tổ chức hội nghị bầu ban quản trị tòa nhà hoặc đã tổ chức nhưng chưa có quyết định thành lập của chính quyền địa phương. Việc bầu ban quản trị là cấp thiết nhưng tại sao lại gặp nhiều vướng mắc?
Nhiều lần tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thành
Thực tế cho thấy, dù các đơn vị đã nhiều lần tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị nhưng đều không thành công. Lâu dần, việc thành lập ban quản trị bị rơi vào quên lãng. Điển hình là 5/7 tòa tái định cư trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ). Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã tổ chức 2 cuộc họp bầu ban quản trị tại 5 nhà A5, D6, CT1A, CT1B, B12 từ năm 2018 nhưng không thành công.
Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 phường Xuân La Phạm Duy Thành lý giải: “Nhà A5 Xuân La có khoảng 60 hộ dân sinh sống nhưng nhiều hộ còn khó khăn. Hiện mức đóng phí vận hành là 30.000 đồng/hộ/tháng, nếu có ban quản trị, đơn giá vận hành khoảng 6.000-7.000 đồng/m2 là quá cao nên nhiều người muốn giữ nguyên mức đóng cũ”.
Một lý do khác là do ban quản trị có nhiều việc và phải giải quyết nhiều vấn đề khó nên không cư dân nào muốn tham gia. Vì vậy, đến nay vẫn không thể tìm được người làm. Kể cả UBND phường chỉ định thì vẫn không cư dân nào đồng ý.
Tương tự, khu B3 Cầu Diễn, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhiều năm tổ chức hội nghị nhà chung cư đều bất thành. Chị Nguyễn Ngọc Anh, một trong 3 thành viên của ban đại diện cho biết, hiện tòa nhà vẫn chưa thành lập được ban quản trị, dân tự cử 3 người làm ban đại diện. 23 hộ dân tự quản lý khu nhà bằng cách mỗi hộ góp 60.000 đồng/tháng mua camera, khóa vân tay để giám sát, trông giữ xe cho chính mình.
Nhiều khu tái định cư dù tổ chức hội nghị bầu ban quản trị thành công nhưng vì nhiều lý do, ban quản trị mới không hoàn thiện hồ sơ nộp lên quận để ban hành quyết định thành lập. Do đó, các khu nhà này hoạt động không có ban quản trị như 5/19 tòa nhà N1AB, N4AB, N5BC, N6A, N5D trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai). Hiện nay, 5/10 tòa chưa có ban quản trị; 5/10 tòa đã bầu được ban quản trị, nhưng chỉ nhà N1 có quyết định công nhận ban quản trị; 4 nhà: N5, N7, N9, CC2 có ban quản trị mới được bầu, nhưng vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ gửi lên quận để ra quyết định công nhận. Như vậy, chỉ có 1/10 tòa tái định cư ở phường Thịnh Liệt có ban quản trị chính thức.
Còn nhiều phường hiện chưa tổ chức hội nghị bầu ban quản trị tòa tái định cư như 2 tòa CT1B, CT1C Thành phố giao lưu, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm); nhà A1, A2 khu Sống Hoàng, phường Mai Động (quận Hoàng Mai)…
Cần sớm giải quyết vướng mắc
Phó Trưởng phòng Tái định cư (Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, rào cản chính là do người dân không đến dự hội nghị thành lập ban quản trị. Hiện nay, giá tiền phải đóng cho công tác quản lý vận hành là 20.000 đồng/hộ/tháng với khu không có thang máy; 30.000 đồng/hộ/tháng với khu có thang máy. Nếu thành lập ban quản trị, công ty sẽ bàn giao giấy tờ, sổ sách cho ban quản trị để tự vận hành, sửa chữa, thuê nhân công, bảo vệ tòa nhà… và người dân phải đóng tiền quản lý vận hành theo đơn giá quy định từ 1.500 đồng đến 16.500 đồng/m2, dẫn đến mức đóng mới cao hơn mức cũ. Do đó, dù đã 2 lần tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng đều bất thành do không đủ 50% cư dân đến dự. Vì vậy, công ty đã lập biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hằng năm, công ty đều gửi công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ trì tổ chức hội nghị nhà chung cư cho các tòa nhà (theo quy định, công ty chỉ tổ chức hội nghị nhà chung cư 2 lần đầu). Trong quá trình triển khai, công ty sẽ phối hợp với vai trò là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, việc này chưa có kết quả như mong muốn. Đáng chú ý, Luật Nhà ở quy định: Nếu chưa thành lập ban quản trị tòa chung cư, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Nắm bắt điều này, nhiều cư dân cố tình không muốn thành lập ban quản trị để nhận sự hỗ trợ từ chủ đầu tư.
Về phía chính quyền địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Hoàng Minh Hải nhận định, việc thành lập ban quản trị gặp nhiều khó khăn do cư dân còn thiếu mặn mà. Hơn nữa, nhiều nhà tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2006 không có quy định về phí bảo trì 2%, nên người dân ngại thành lập ban quản trị vì họ phải đóng thêm phí để vận hành và quản lý tòa nhà. Trong tình huống này, UBND quận yêu cầu các phường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng, từ đó đồng hành với chính quyền địa phương bầu ban quản trị để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Tham khảo:>> Phần mềm quản lý tòa nhà chung cư 4.⓿ Ưu đãi lớn #2024
Mỗi nhà chung cư theo quy định phải thành lập ban quản trị để quản lý, giám sát và bảo đảm quyền lợi cho cư dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, việc 55/140 tòa nhà chưa thể thành lập ban quản trị cho thấy những khó khăn mà một trong những rào cản bắt nguồn từ các cư dân. Thực trạng này đòi hỏi các bên liên quan tăng cường tuyên truyền tới người dân, sớm có biện pháp giải quyết vướng mắc.