Bất chấp sự biến động của thị trường, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đặt mục tiêu lãi lớn trong năm 2022.
Có thể thấy, kết thúc quý 1/2022, diễn biến của thị trường bất động sản khá tốt nếu nhìn từ khía cạnh giá tài sản tăng, nguồn cung ít hơn so với lực cầu. Bên cạnh đó, lạm phát có biểu hiện lên cao càng tạo lực hút các dòng vốn vào kênh này, thay vì đổ vào chứng khoán hay vàng.
Vì vậy, theo các chuyên gia BĐS, những doanh nghiệp quy mô lớn có rổ hàng dồi dào, mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lãi ròng chạm mốc kỷ lục không phải là bài toán khó. Các doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận “khủng” năm 2022 nhờ các dự án được mở bán tiềm năng.
Tại ĐHCĐ mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu sản phẩm 23.375 tỷ đồng, doanh thu thuần lần lượt là 7,151 tỷ đồng và 1,206 tỷ đồng, tăng 37% và 13% so với năm trước.
Để thực hiện mục tiêu lợi nhuận trên, đại diện Nam Long cho biết sẽ triển khai đồng loạt các khu đô thị lớn Southgate (Waterpoint giai đoạn 1- 165 ha), Mizuki 26 ha, Izumi City (170 ha), Akari (8 ha), Nam Long – Cần Thơ (43 ha), Nam Long Đại Phước (45 ha) …với mục tiêu tổng doanh số đạt 2 tỷ USD trong 3 năm tới.
Theo kế hoạch trong báo cáo thường niên, năm 2022 doanh nghiệp sẽ mở bán 792 sản phẩm thuộc dự án Izumi City và 210 sản phẩm thuộc dự án Nam Long Đại Phước (Đồng Nai); 1.183 sản phẩm tại dự án Akari City Bình Tân (TP.HCM); Hơn 1.000 sản phẩm thuộc dự án Nam Long 2 Central Lake (Cần Thơ); 296 sản phẩm tại dự án Waterpoint và 460 sản phẩm tại dự án Ehome Southgate (Long An);…
Không chỉ năm 2022, NLG còn đặt mục tiêu cho năm 2023 với nhiều tham vọng khi kỳ vọng doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 13,800 tỷ đồng và 1,996 tỷ đồng, tăng 93% và 66% so với kế hoạch năm 2022. Theo công bố, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh số đặt chỗ trước khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tương tự, theo công bố tờ trình đại hội cổ đông, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland – NVL) đặt mục tiêu năm 2022 thu hơn 35.970 tỷ đồng, tăng 21.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dự kiến lập kỷ lục 6.500 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước. Nếu thành công, đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ khi công ty thành lập đến nay.
Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận khủng được doanh nghiệp hoạch định dựa trên nguồn thu dự kiến đến từ việc bàn giao 22 dự án tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm nay.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp có quỹ đất sẵn và bán hàng tốt, mục tiêu lợi nhuận khủng không phải là bài toán khó
Một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) đặt mục tiêu 5.500 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2022. Con số này,gấp hơn 3 lần thực hiện năm trước, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 500 tỷ đồng, tăng 20%. Công ty dự kiến bàn giao và ghi nhận doanh thu dự án The Sóng (Vũng Tàu), ra mắt dự án mới – The Gió (Bình Dương) với 3.200 căn hộ. Giai đoạn 2022 – 2024, doanh nghiệp ước tính doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ USD đến từ hơn 11.400 sản phẩm được đưa ra thị trường. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục triển khai một loạt các dự án ở TP HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An… với trọng tâm là các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu phức hợp) trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực.
Doanh nghiệp này xe việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, nên liên tục thực hiện M&A, ưu tiên đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. Các khu vực có quỹ đất công ty hướng tới là TP HCM (Quận 7, Bình Chánh, Quận 9, Nhà Bè, Bình Tân…) và các địa phương lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…) nhằm phù hợp với phân khúc có thế mạnh.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng công bố dự thảo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất lên đến 11.000 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 20,98% so với năm ngoái.
Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra trung tuần tháng 3/2022, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) trình cổ đông kế hoạch năm 2022 với doanh thu 10.700 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận này được lãnh đạo Phát Đạt đưa ra dựa trên 4 dự án lớn: khu đô thị du lịch Nhơn Hội – Bình Định, dự án cao tầng phân khu 9 Nhơn Hội New City (Bình Định), Astral City (Bình Dương) và Serenity Phước Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Hay, Công ty Khải Hoàn Land (KHG) công bố kỳ vọng doanh thu thuần đạt 2.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 102% và 93% so với với năm 2021. Môi giới bất động sản vẫn là mảng chủ chốt mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp song song với phát triển dự án, hợp tác với các chủ đầu tư khác, M&A hoặc mua sỉ bán lẻ một số dự án.
Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SGR) cũng lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 1.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng. Con số này dù thấp hơn khá nhiều so với mức 243 tỷ đồng trong bản phương hướng hoạt động sản xuất – kinh doanh nhiệm kỳ 2021 – 2025 (được thông qua trong kỳ đại hội năm trước), nhưng lại cao gấp 3,84 lần so với mức thực hiện của năm ngoái.
Tính tới cuối tháng 12/2021, hàng tồn kho của SGR ghi nhận hơn 2.755 tỷ đồng, nằm ở một loạt dự án. Trong đó, riêng dự án Carilon7, hàng tồn kho chỉ còn khoảng hơn 6 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ bắt đầu được ghi nhận doanh thu từ quý 1/2022.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô ( HDG) dự kiến mức tăng trưởng khả quan từ 2022, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 – 2025 đạt từ 12.000 – 13.000 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội), Greenlane (quận 8, TP.HCM) và Minh Long (Thủ Đức, TP. HCM).
Từ cuối năm ngoái, dự án Charm Villas đã bắt đầu hoàn thành và bàn giao tới khách hàng, tạo điều kiện cho HDG ghi nhận doanh thu từ quý 1/2022. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), HDG dự kiến hoàn thành mua lại 125 ha đất phía Tây Hà Nội trong quý I năm nay với chi phí sơ bộ 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng từ 18 – 20% trở lên.
Động lực phát triển trong trung, dài hạn của Tập đoàn Hà Đô chính là mảng năng lượng. Đây là lĩnh vực kinh doanh có biên lợi nhuận cao, tạo dòng tiền ổn định.
Đánh giá về bức tranh kinh doanh màu hồng của các công ty bất động sản, một số chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nhìn bề nổi là các đại gia địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán, kịch bản doanh thu, lợi nhuận khủng vẫn khả thi trong năm 2022.
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số
Lý do, tâm lý thị trường bất động sản trong các tháng đầu năm 2022 vẫn diễn biến khá tốt nhìn từ khía cạnh giá tài sản tăng, nguồn cung ít hơn so với lực cầu. Bên cạnh đó, lạm phát có biểu hiện lên cao càng tạo lực hút các dòng vốn vào kênh này là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch kinh doanh xán lạn.
Thực tế, trong quý đầu năm khách đầu tư và tiêu dùng đi xem dự án khá nhiều, các bất động sản chào bán năm 2022 đều đã thiết lập mặt bằng giá mới. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn có rổ hàng dồi dào, mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lãi ròng chạm mốc kỷ lục không phải là bài toán khó do giá trị tài sản tăng.
Tuy nhiên, hiện nay, khi giá tất cả sản phẩm chào bán đã neo ở mức cao, các doanh nghiệp phải vượt qua thách thức thanh khoản thấp. Họ cần phải bán hàng nhanh mới tối ưu hóa được doanh thu và lợi nhuận. Bất động sản tăng giá khắp nơi chắc chắn kích thích sự quan tâm của nhiều người, lượng xem dự án tăng cao nhưng trở ngại là lượng giao dịch thành công chưa tăng tương ứng với mức độ quan tâm.
Chia sẻ trên báo chí, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, dự báo thị trường bất động sản vẫn tăng sức hấp dẫn cho đến quý 2/2022 nên các doanh nghiệp BĐS vẫn có tâm lý lạc quan với mục tiêu lợi nhuận cao so với 2 năm trước. Tuy nhiên, trạng thái hưng phấn của thị trường thường không duy trì lâu. Nhiều khả năng cuối năm nay, thị trường bất động sản sẽ có điều chỉnh nhẹ sau những đợt nóng, sốt râm ran đầu năm. Điều này có thể phân hóa các doanh nghiệp bất động sản thành 2 thái cực. Nhóm bán được hàng có thể đạt được lợi nhuận kỳ vọng năm 2022. Nhóm bán ít hàng, có thể phải điều chỉnh mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.
Theo Nhịp sống kinh tế