Ngoài nền tảng công nghệ thì đích đến cuối cùng của chuyển đổi số trong báo chí, truyền thông đa phương tiện phải là một đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhà báo, phóng viên, kỹ thuật viên… “chuyển đổi số toàn diện”. Về vấn đề chuyển đổi số trong báo chí, truyền thông đa phương tiện, PGS.TS.GVCC Nguyễn Thị Trường Giang – PGĐ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bày tỏ những quan điểm riêng với Báo Lao Động.
PGS.TS.GVCC Nguyễn Thị Trường Giang – PGĐ Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Báo chí với chuyển đổi số
Báo chí thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn của chuyển đổi số, bắt đầu với sự ra đời của báo chí số – hay còn gọi là báo mạng điện tử, báo Internet, báo điện tử, báo online – vào năm 1992 (tờ Chicago Tribune, Mỹ). Năm 2018 – với việc AI bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các tòa soạn trên thế giới, chuyển đổi số báo chí thực sự hiện hữu. Thực chất của chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Tương lai chuyển đổi số báo chí còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, chắc chắn trở thành xu thế không thể cưỡng lại ở tất cả các cơ quan báo chí, của tất cả các nền báo chí.
Tại Việt Nam, tháng 11.2023, cả nước có 882 cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình. Dựa vào tiêu chí xếp hạng “Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí” của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc, 8,06% đạt mức tốt, 13,19% đạt mức khá, 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu. Như vậy, số cơ quan báo chí đạt mức trung bình và yếu về chuyển đổi số báo chí là chủ yếu. Thậm chí, nhiều tòa báo lớn vẫn còn loay hoay với câu hỏi: Chuyển đổi số là thế nào, kinh phí ở đâu, công nghệ gì, và đặc biệt là bài toán về xây dựng “nhân lực chuyển đổi số”. Đó là một thách thức không nhỏ đối với hành trình chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thực sự quyết tâm, nỗ lực.
Chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người. Có 3 trụ cột chính của chuyển đổi số báo chí: Công nghệ – Con người – Tài chính. Công nghệ là yếu tố nền tảng, không có công nghệ, sẽ không có cơ sở để tiến hành chuyển đổi số báo chí. Tài chính là yếu tố hỗ trợ, tài chính mạnh, chúng ta có thể đầu tư kỹ thuật, máy móc, phần mềm tiên tiến, tối tân; tài chính vừa phải, có thể đầu tư ở mức độ vừa phải. Nhưng nếu chỉ có công nghệ, tài chính, mà không có con người, tức đội ngũ nhà báo chuyển đổi số, thì công nghệ, tài chính cũng không có nhiều ý nghĩa.
Báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình toà soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí… Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ thì đích đến cuối cùng của chuyển đổi số trong báo chí, truyền thông đa phương tiện phải là một đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhà báo, phóng viên, kỹ thuật viên… “chuyển đổi số toàn diện”, với những phẩm chất, kỹ năng đặc thù, để có thể tạo nên tòa soạn đa phương tiện giàu bản sắc, dấu ấn.
Tham khảo:>> Giải pháp chuyển đổi số trong ngành bất động sản【2024】
Thích ứng, áp dụng tốt và làm chủ AI
Lãnh đạo tập đoàn truyền thông Axel Springer của Đức từng đề cập sự phát triển vũ bão của AI hiện nay “Trí tuệ nhân tạo đang khiến nghề báo nói chung và các nhà báo nói riêng trở nên khó tồn tại”. Đặc biệt thời gian qua, công nghệ Chat GPT đã khiến chúng ta có phần “ngỡ ngàng” trước những gì mà công nghệ làm được. Nhiều ý kiến cho rằng AI có thể “cạnh tranh” công việc phóng viên, nhà báo.
Những lo ngại là hoàn toàn có cơ sở! Thế kỷ 20 chắc không nhiều người nghĩ đến những khó khăn mà báo chí phải đối mặt như bây giờ, đặc biệt là báo in. Hiện tại, AI đã làm được những việc, những sản phẩm mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ có con người mới làm được, thậm chí con người cũng không làm được, ví dụ tạo video “như thật” từ văn bản, câu lệnh, từ ảnh tĩnh… Trong kỷ nguyên hiện nay, mọi ý tưởng đều có thể được hiện thực hóa nhờ AI. MC AI Sana của India Today có thể dẫn chương trình tới 75 ngôn ngữ với những biểu cảm như người thật. Một phóng viên AI có thể viết một bài báo trong vòng vài giây! Và còn rất nhiều ví dụ khác… Trong tương lai, không biết AI còn làm được những gì! Điều thú vị là AI không yêu cầu trả lương, làm việc không có ngày nghỉ, ít phàn nàn… Như vậy, nguy cơ AI khiến phóng viên, nhà báo “mất nghề” là có thật, nếu chúng ta để cho mình phụ thuộc hoàn toàn vào AI và lười sáng tạo.
Tuy vậy, AI quá thông minh sẽ là “con dao hai lưỡi” cho báo chí, bởi nếu không cẩn thận, sẽ đến lúc có những vấn đề thuộc về đạo đức báo chí bị vi phạm, có những giới hạn về sự thật, tính nhân văn, an toàn thông tin… bị vượt qua. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải có kiến thức, kỹ năng “sống chung với AI”, sử dụng AI một cách thật sự tỉnh táo, thông minh. Chừng nào AI còn được điều khiển và kiểm soát bởi con người, chừng đó, nhà báo, phóng viên không bị “mất nghề”.
Một đặc thù của chuyển đổi số là sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Do vậy, để thích ứng, áp dụng tốt và làm chủ được AI trong công việc báo chí, truyền thông đa phương tiện, đội ngũ phóng viên, nhà báo hiện nay phải được “chuyển đổi số toàn diện”, nghĩa là đạt được nhiều phẩm chất, kỹ năng: Kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; kỹ năng khai thác, xử lý tài nguyên dữ liệu số; kỹ năng bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với AI, ChatGPT; có văn hóa và đạo đức phù hợp với tác nghiệp trong môi trường số…
Tham khảo:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
Tuy nhiên, một cách khách quan, nhân lực chuyển đổi số của hầu hết cơ quan báo chí Việt Nam chưa mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo, hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Dẫu vậy, các cơ quan báo chí, người làm báo cũng không thể chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Tương lai báo chí chuyển đổi số còn dài, sẽ tiến triển qua nhiều chu kỳ, đòi hỏi mỗi người làm báo phải tự học: Học tại các trường đào tạo báo chí, học lẫn nhau, học qua thực tiễn hoạt động báo chí, học tại các công ty công nghệ… để thực sự trở thành người làm chủ chuyển đổi số, làm chủ AI.
Nguồn: https://laodong.vn/