Chữ ký số từ xa giúp cho việc xác thực các giao dịch điện tử tin cậy được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi trên nền tảng di động.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trung bình khoảng 60% các giao dịch điện tử được thực hiện trên nền tảng di động. Tuy nhiên, đối với những giao dịch điện tử có giá trị cao hoặc yêu cầu giá trị pháp lý hoặc giao dịch điện tử có yêu cầu tin cậy cao, hầu hết đều yêu cầu thực hiện bằng hình thức chữ ký số.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông
Báo cáo của công ty cổ phần công nghệ thẻ Nacencomm cho thấy, tại thị trường Việt Nam, hiện có 3 loại chữ ký số cơ bản được dùng phổ biến gồm: chữ ký số USB Token (chữ ký số truyền thống), chữ ký số di động (sử dụng SIM) và chữ ký số từ xa. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là chữ ký số USB Token bởi loại chữ ký số này đã được triển khai nhiều năm trước so với chữ ký số di động trên SIM và chữ ký số từ xa mới bắt đầu được triển khai.
Đến ngày 28/10/2021, hầu hết các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số tại Việt Nam là dùng USB Token. Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, có thêm loại hình chữ ký số từ xa sẽ giúp cho việc xác thực các giao dịch điện tử tin cậy được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi trên nền tảng di động.
“Hình thức ký số từ xa khác USB Token ở chỗ khóa dùng để ký của khách hàng thì không nằm trong Token mà nằm ở tại đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều đó luôn khiến chúng ta đặt ra câu hỏi là như thế liệu có an toàn không. Qua thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cơ yếu Chính phủ và Bộ Công An, có thể khẳng định việc, lưu khóa ký tại đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn toàn đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay. Chỉ khách hàng là người duy nhất có thể kích hoạt việc ký đối với những văn bản điện tử. Đơn vị cung cấp hoàn toàn không thể truy cập vào khóa ký của khách hàng” – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia khẳng định.
Ông Nguyễn Khơ Din – Tổng Giám đốc Nền tảng Chuyển đổi số thuộc Tập đoàn Bkav – cho rằng: “Về pháp lý, chữ ký số đã được thừa nhận trong tất cả các Luật Giao dịch điện tử và trong các Nghị định. Còn về công nghệ, chữ ký số đã được chứng minh, bao gồm đảm bảo ba tính chất rất quan trọng là: tính chính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ. Do đó, chữ ký số đảm bảo hoàn toàn giá trị pháp lý để thay thế cho chữ ký tươi và con dấu đỏ của cá nhân và doanh nghiệp. Bởi vậy, đối tượng cá nhân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng chữ ký số thay cho chữ ký tươi khi giao dịch trong môi trường Internet”.
Tham khảo:>> Ưu điểm của chữ ký số từ xa so với các loại chữ ký khác
Ông Nguyễn Khơ Din – Tổng Giám đốc Nền tảng Chuyển đổi số thuộc Tập đoàn Bkav
Hiện tại, một số đơn vị tại Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo hình thức ký số từ xa ở những lĩnh vực hoạt động chuyên biệt khác nhau. Theo đó, chữ ký số từ xa sẽ giúp giảm thiểu chi phí cũng như tiết kiệm thời gian khi người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, tiến hành các giao dịch tài chính, thanh toán hóa đơn điện tử…
“Mỗi buổi sáng khi chúng ta ra đường thì đa phần chúng ta có thể quên chìa khóa, có thể quên ví nhưng chúng ta không thể quên điện thoại. Về tương lai gần, điện thoại sẽ là một thiết bị để tích hợp tất cả các loại hình dịch vụ, trong đó có loại hình dịch vụ xác thực điện tử. Do đó, việc xuất hiện dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa tại Việt Nam sẽ giúp cho mỗi người dân thuận tiện trong các thủ tục hành chính, trong việc thực hiện các giao dịch tài chính, trong việc xác thực các giao dịch điện tử có giá trị pháp lý và có giá trị cao. Đó sẽ là một bước thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn bộ các hoạt động trong cuộc sống lên môi trường mạng” – ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhấn mạnh.