Chuyển đổi số vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp

Dịch Covid-19 với những tác động bất lợi đến kinh tế – xã hội, đã và đang tạo cú hích mạnh mẽ để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới mẻ, là bài toán khó với doanh nghiệp.

90% doanh nghiệp chuyển đổi số chưa thành công

Tại Diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp – hiểu đúng, để làm trúng” diễn ra chiều ngày 23/12/2021, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, có đến 90% doanh nghiệp chuyển đổi số chưa thành công, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất còn rất yếu vì đây là lĩnh vực còn mới.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn cho thấy, dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp nhận thức và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ số.

4213_toancanh
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: CTV

Theo đó, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Trong đó, có các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng,… Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất còn rất yếu, như ứng dụng thiết bị IoT, rô bốt, dây chuyền tự động hoá hay hệ thống điều hành sản xuất nhà máy…

Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngành Logistics

Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn có nhiều rào cản. Đó là chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hoá; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động…

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn nhiều hơn liên quan đến các vấn đề nguồn lực nội bộ, thì các doanh nghiệp lớn lo sợ nhiều hơn đến các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.

Tại diễn đàn, từ góc nhìn chuyên gia, ông Đức Thuận cũng chỉ ra những hạn chế của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số là chưa xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn chuyển đổi số; chưa hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số; chưa đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc

Khẳng định chuyển đổi số là quá trình tất yếu của sự phát triển cách mạng 4.0 và đã phát huy tác dụng trong bối cảnh dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc. Để chuyển đổi số toàn diện các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp cho biết, cách mạng công nghệ không chỉ làm tăng năng suất mà yếu tố về sự hợp tác – “năng suất hợp tác” mới là quan trọng.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân phân tích, không phải là khi doanh nghiệp mua sắm một vài thiết bị công nghệ để sử dụng thì được xem như là chuyển đổi số, mà đặt ra yêu cầu thay đổi phương thức quản lý, phương thức tổ chức của những người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, cần căn cứ trên cơ sở khảo sát, điều tra, nghiên cứu.

Từ đó, mới có cơ sở thiết kế chương trình đào tạo, tập huấn, xây dựng cho doanh nghiệp lộ trình chuyển đổi số thành công. Ngoài ra, khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đạt mức độ nào theo tiêu chí đề ra.

TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cũng cho rằng, chuyển đổi số giúp phát triển mô hình kinh doanh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới và giúp nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng tài nguyên và khả năng ra quyết định.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Sau 1 năm triển khai, đã có đến hàng triệu lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin từ chương trình.

Tham khảo:>> https://chuyendoisodoanhnghiep.info/chuyen-do-so-trong-ngan-hang/

Trong năm 2022, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 – 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới./.

Bài Viết Liên Quan

Next Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài Viết Mới Nhất

094.836.9191