Thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình này.
Các vấn đề liên quan đến thành phố thông minh được đưa ra thảo luận tại phiên hội thảo Smart City, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Tech Awards 2022 do VnExpress tổ chức thường niên. Tại hội thảo, các diễn giả từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và thế giới đều đánh giá smart city đang là xu hướng chung của toàn cầu. Việc triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam đang được hưởng ứng tích cực trên cả nước, nhưng còn nhiều vấn đề về giải pháp, triển khai cũng như sự hưởng ứng của người dân.
Giá trị của thành phố thông minh
Theo ông Nguyễn Lộc Vũ, Giám đốc công nghệ VnExpress, tốc độ tăng trưởng của thị trường thành phố thông minh toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt tổng giá trị 2.800 tỷ USD vào năm 2027. Tại Việt Nam, đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030 đã được phê duyệt từ tháng 8/2018. Đến nay, trên cả nước có 54 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh.
“Các thành phố thông minh sẽ góp phần giải quyết bài toán năng lượng, an ninh, ô nhiễm môi trường… Đó là động lực cho các quốc gia phấn đấu để ngày càng có nhiều thành phố thông minh hơn”, ông Vũ nói.
Theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, thành phố thông minh là thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động, dịch vụ thành phố và khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và các thế hệ tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào dẫn dự báo rằng đến năm 2030, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố lớn. Bài toán đặt ra cho giới quản lý là làm thế nào để hỗ trợ sự phát triển nhanh của đô thị, nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững, phát triển xanh, giảm ảnh hưởng đến môi trường. Theo ông Nam, ứng dụng công nghệ, cụ thể là xây dựng thành phố thông minh chính là giải pháp cho tình trạng này. Hai nền tảng để tạo nên thành phố thông minh là IoT và dữ liệu. Điều này được hỗ trợ bởi xu hướng dùng smartphone với người dùng, lượng thiết bị được kết nối Internet (IoT) gia tăng và các cảm biến xuất hiện ở mọi nơi.
Có thể bạn quan tâm:>>Smart City là gì? Tổng quan về thành phố thông minh Smart City
Đại diện Qualcomm nhận định thành phố thông minh là tổng hợp của những không gian thông minh, như nhà máy thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh… Ví dụ, nhờ ứng dụng công nghệ, nhà quản lý giao thông có thể đưa ra khuyến cáo cho lái xe điều phối giao thông trong đô thị dựa trên dữ liệu, cảm biến trên khắp thành phố, việc cung cấp điện có thể tiết kiệm nhờ việc tối ưu hóa giữa cung và cầu. Đó là những ví dụ về giá trị của thành phố thông minh, theo ông Nam. Ông cũng lấy ví dụ tại những văn phòng của Qualcomm, nơi thử nghiệm như một mô hình thu nhỏ của thành phố thông minh, lượng điện tiêu thụ đã giảm 25% nhờ các giải pháp thông minh, ứng dụng AI trong vận hành.
“Suy cho cùng, thành phố thông minh sinh ra là để tổ chức, người dân tận hưởng các giá trị mà công nghệ mang lại”, ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions, khẳng định.
Xây dựng smart city tại Việt Nam như thế nào
Là nhà tư vấn xây dựng đô thị thông minh cho nhiều địa phương tại Việt Nam, ông Dương Công Đức cho rằng smart city là một phần của công cuộc chuyển đổi số, mang những đặc điểm phát triển của lĩnh vực chuyển đổi số nói chung. “Việc xây dựng giải pháp chỉ đóng góp 30%, việc triển khai vận hành đóng góp 30%, 40% còn lại phụ thuộc vào việc người dùng sử dụng sản phẩm như thế nào”, ông Đức nói.
Từ nguyên tắc đó, chuyên gia của Viettel cho rằng để đảm bảo xây dựng đô thị thông minh thành công, cần “may đo” các giải pháp cho từng địa phương, tuỳ thuộc hiện trạng, mục tiêu triển khai và nguồn lực của địa phương đó. Ngoài ra, sản phẩm trên chỉ có thể thành công nếu tổng thể được hoàn thiện, có hệ sinh thái đầy đủ giải pháp, ứng dụng và nền tảng, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia.
Ông Đức cũng đề cập khái niệm Digital Twins. Đây là bản sao số của các thực thể vật lý, các quy trình, mối quan hệ, diễn biến… trong thế giới thực. Theo đó, toàn bộ thành phố được xây dựng lại trong thế giới số dạng 3D và công nghệ Digital Twins giúp giám sát, quản lý đô thị (dự án đô thị, tài nguyên, môi trường, dân số, văn hóa, du lịch…) nhanh, hiệu quả, trực quan trên môi trường 3D. Diễn biến của thành phố thông minh sẽ được thu thập bởi các thiết bị IoT, camera, cảm biến.
Tham khảo:>> giải pháp chiếu sáng nhà thông minh
Ở vai trò nhà cung cấp các giải pháp về hạ tầng, ông Thiều Phương Nam, đại diện Qualcomm, cho rằng IoT, AI, 5G sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp thành phố thông minh. “Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng smartphone và Internet rất cao. Người dân đã quen với việc sử dụng thiết bị thông minh trong đời sống. Đây là cơ hội để có dữ liệu và ứng dụng vào nghiên cứu công nghệ”, ông đánh giá. Qualcomm cũng đang phối hợp cùng nhiều đối tác Việt Nam như Viettel, VNPT, VinAI, Bkav để thúc đẩy hệ sinh thái không dây tại Việt Nam, là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh.
Trong viễn cảnh về thành phố thông minh, những toà nhà công nghệ cao là điều mà mọi người vẫn hình dung. Tuy nhiên, vấn đề này trước đây ít được chia sẻ tại Việt Nam. Tech Summit 2023 là một trong những sự kiện lớn đầu tiên mà vấn đề này được đưa ra trao đổi, theo chia sẻ từ tiến sĩ Đỗ Nguyên Hưng, Phó tổng giám đốc Khối Dự án, Schneider Electric Việt Nam.
Theo ông, 90% công việc xảy ra trong toàn nhà bao gồm làm việc, học tập. Tuy nhiên, các tòa nhà hiện là nơi tiêu thụ khoảng 30% năng lượng của toàn thế giới, đồng thời chiếm 40% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm trên toàn cầu.Ông hiến kế các tòa nhà tại Việt Nam cần số hóa và kết nối tất cả hệ thống bên trong, từ đó có được thông tin cần thiết để xây dựng hệ thống thông minh hơn, ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data và AI, bên cạnh việc chuyển đổi sang các nguồn tái tạo để sản xuất điện. “Bước đầu để tiến tới thành phố thông minh là việc xây dựng các tòa nhà tương lai – tòa nhà bền vững”, ông nhấn mạnh.
Công dân số – trọng tâm của thành phố thông minh
Theo các định nghĩa về thành phố thông minh, các yếu tố công nghệ, hệ sinh thái kết nối, vận hành, sử dụng công nghệ thông minh để xây dựng đều phục vụ mục tiêu cuối cùng là cuộc sống con người được cải thiện nhờ công nghệ.
Tại hội thảo, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh – Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam, nhận định Citizen Centrics (lấy công dân làm trung tâm) sẽ là xu thế mà cả người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị trên toàn thế giới sẽ hướng đến.
Trong mô hình này, các yếu tố như kỹ năng việc làm, nhà ở, dạy nghề, phục hồi thể chất, thực phẩm và dinh dưỡng,… đều trở thành điều kiện hoặc nhu cầu giúp công dân kết nối với smart city trong tương lai. Các dữ liệu sẽ được sử dụng để thiết kế dịch vụ đáp ứng nhu cầu này của người dân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thách thức trong bối cảnh dữ liệu được sử dụng ngày càng nhiều, bảo mật sẽ là yếu tố quan trọng cần được quan tâm hàng đầu. Đây cũng sẽ là thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ trong tương lai để xây dựng một thế giới số lành mạnh, theo đánh giá của đại diện Microsoft.
Là nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam, ông Lê Vĩnh Sơn, Giám đốc Phát triển Sản phẩm Lazada Việt Nam, đánh giá công dân trong smart city sẽ là những người có phong cách sống thông minh. Họ có kỳ vọng rất cao về chất lượng dịch vụ số. Dẫn thống kê của đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Sơn cho biết 53% người tiêu dùng Đông Nam Á đã thay đổi thương hiệu sử dụng, 40% người tiêu dùng Đông Nam Á đã thay đổi kênh mua sắm trực tuyến trong ba tháng qua.
Đại diện sàn thương mại điện tử top đầu tại Việt Nam cho rằng các sản phẩm ra đời để phục vụ công dân số có lợi thế là có thể ứng dụng công nghệ, dữ liệu để thấu hiểu người dùng, nhưng cũng cần đáp ứng nhu cầu liên tục được nâng cao của các công dân số này. Ví dụ, đơn vị này đã phải ứng dụng công nghệ Geolocation nhằm số hoá địa chỉ của người mua và người bán vào trong tập dữ liệu để tối ưu việc giao hàng, hay phân tích số liệu theo thời gian thực để biết các khách hàng trên nền tảng hiện nay họ đang phản ứng với các dịch vụ như thế nào.
Tham khảo:>> mô hình nhà thông minh
“Người dân của các thành phố thông minh sẽ mang một lối sống nhanh, đa nhiệm, đòi hỏi sự thông suốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng. Họ có kỳ vọng cao, không ngừng nâng mức kỳ vọng vào chất lượng và trải nghiệm của những dịch vụ”, ông Sơn nhận định.
Cuối hội thảo, các chuyên gia từ cũng đã hiến kế để xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như quy chuẩn cho smart city, tầm quan trọng của hạ tầng, các vấn đề về công nghệ, dân sinh, khi xây dựng một thành phố thông minh.
Diễn đàn Tech Summit 2023 bao gồm hai phiên hội thảo là Smart City vào chiều 5/1 và Tech Trends sáng 6/1. Hội thảo về thành phố thông minh thu hút hơn 300 người tham dự. Mở màn, phần trình diễn kết hợp hiệu ứng ánh sáng đa giác quan tạo ấn tượng cho khách khán giả. Phía dưới sân khấu, loạt robot thông minh thực hiện các động tác mô phỏng vũ đạo sôi động. Màn hình LED của robot chuyển màu sắc, tạo điểm nhấn cho phần diễn.
Song song với diễn đàn là Triển lãm Tech Expo 2023, diễn ra xuyên suốt hai ngày 5-6/1. Khu triển lãm có hơn 10 gian hàng, trưng bày những sản phẩm công nghệ, các giải pháp cho thành phố thông minh, phô diễn xu hướng năm tới như thực tế ảo, metaverse…
Nổi bật trong chuỗi sự kiện là lễ trao giải Tech Awards 2022 ngày 6/1. Chương trình vinh danh các sản phẩm và thương hiệu được độc giả và chuyên gia công nghệ đánh giá cao trong năm 2022 tại Việt Nam. Đây là chương trình bình chọn thường niên được VnExpress tổ chức từ 2012.