Wi-Fi 7 cung cấp kết nối mạng với tốc độ 30 Gbps trở lên, độ trễ thấp, hứa hẹn thay thế mạng dây Ethernet.
Trong khi các thiết bị sử dụng Wi-Fi 6 hay Wi-Fi 6e vẫn chưa thực sự phổ biến, các công ty công nghệ đầu ngành đã có những bước đi đầu tiên trong việc chinh phục công nghệ Wi-Fi thế hệ tiếp theo. Mới nhất, hôm 19/1, MediaTek đã công bố kết quả thử nghiệm với lời khẳng định “lần đầu tiên Wi-Fi có thể thay thế cho cáp Ethernet trong những ứng dụng yêu cầu băng thông siêu cao”.
Nhận định của MediaTek vẫn còn bị hoài nghi bởi đó vẫn chỉ là kết quả từ phòng thí nghiệm. Tiêu chuẩn cho Wi-Fi thế hệ mới cũng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh TV 8K, AR/VR ngày càng phổ biến, một công nghệ Wi-Fi tốc độ cao, độ trễ thấp là điều cần thiết và tương lai này có thể diễn ra trong 1-2 năm tới.
Wi-Fi 7 là gì?
Wi-Fi 7 là thế hệ Wi-Fi thứ bảy, được phát triển dựa trên tiêu chuẩn IEEE 802.11be. Chữ “be” là cách để phân biệt với các thế hệ Wi-Fi trước, như Wi-Fi 5 là 802.11ac, Wi-Fi 6 là 802.11ax. Tên gọi cũng thể hiện Wi-Fi 7 là bản nâng cấp của Wi-Fi 6 chứ không phải một công nghệ hoàn toàn mới.
“Tiêu chuẩn 802.11be mới không có gì khác ngoài việc mở rộng quy mô của 802.11ax với băng thông và số lượng luồng tăng lên”, Viện kỹ sư điện điện tử IEEE cho biết.
Theo tiêu chuẩn này, tốc độ tối đa của Wi-Fi 7 sẽ đạt 30 Gb/giây, tức cao gấp ba lần mức 9,6 Gbp/giây của Wi-Fi 6 và gấp gần 10 lần mức 3,5 Gb/giây của Wi-Fi 5. Số luồng MIMO của Wi-Fi thế hệ tiếp theo là 16, tức các bộ định tuyến có thể sử dụng 16 ăng-ten để phát và thu nhận tín hiệu, cao hơn con số 8 của thế hệ trước. Điều này giúp hệ thống Wi-Fi 7 có thể kết nối nhiều thiết bị hơn, hạn chế khả năng bị gián đoạn kết nối. Ngoài ra, Wi-Fi thế hệ tiếp theo sẽ hoạt động trên kênh tần số 320 Hz thay vì 160 Hz như Wi-Fi 6.
Với cải tiến về mặt thông số kỹ thuật, Wi-Fi 7 được ví giống như kết nối 5G. Trong khi các kết nối phổ thông hiện tại như 4G, Wi-Fi 5, Wi-Fi 6 về cơ bản đáp ứng tốt phần lớn nhu cầu hàng ngày, chúng cũng dần bộc lộ hạn chế khi nhu cầu của người dùng đang có xu hướng tăng cao. Sự phát triển của Internet of Things với những thiết bị yêu cầu độ trễ của mạng tiệm cận 0, trong khi truyền hình 8K, ứng dụng thực tế ảo AR/VR đòi hỏi một băng thông lớn, tốc độ truyền tải cao… Đó là những vấn đề Wi-Fi 7 có thể giải quyết. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều đổi mới trong các lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ hiệu suất tăng cao của mạng không dây”, trang AndroidAuthority viết.
Còn theo Liên minh Wi-Fi toàn cầu, Wi-Fi 7 sẽ mang lại tác dụng lớn nhất là giảm độ trễ và sự thiếu ổn định của hệ thống mạng, từ đó đem đến những ứng dụng hữu ích trong lĩnh vực phát video trực tuyến, điện toán đám mây, thực tế ảo. thực tế tăng cường, xe thông minh…
Thách thức với Wi-Fi 7
Trong thông báo về thử nghiệm hôm 19/1, MediaTek cho biết những thiết bị Wi-Fi 7 đầu tiên sẽ ra thị trường vào năm 2023. Tuy nhiên theo giới phân tích, sẽ còn rất lâu nữa công nghệ này mới có thể đến được với số đông. Kết luận này được dựa trên chính những công nghệ đang có trên thị trường như Wi-Fi 6, Wi-Fi 6e.
Theo The Next Web, dù những công nghệ này đã được phát triển chính thức hơn một năm nay, số lượng thiết bị vẫn ở mức khiêm tốn. Tần số 6bGHz dùng cho Wi-Fi 6e và Wi-Fi 7 chưa được cấp phép ở hầu hết các quốc gia, trừ Mỹ, châu Âu.
Wi-Fi 7 có thể tương thích với các thiết bị cũ nhờ khả năng hoạt động trên tần số 2,4 GHz, 5 GHz, bên cạnh tần số chính 6 GHz. Tuy nhiên, hệ thống hoạt động hiệu quả nhất khi cả bộ định tuyến và thiết bị đầu cuối cùng sử dụng một chuẩn Wi-Fi. Trong khi đó, mức giá của những bộ router hỗ trợ tần số 6 Ghz vẫn ở mức từ 500 USD trở lên, khó tiếp cận số đông người dùng.
Ngoài ra, một hệ thống Wi-Fi tốt chỉ có thể đáp ứng các kết nối cục bộ, không thể đảm bảo người dùng sẽ có kết nối Internet với độ trễ thấp hay tốc độ cao, vì còn phụ thuộc nhà cung cấp Internet.
“Không ít lần chúng ta nghe về Wi-Fi đánh bại Ethernet. Nhưng điều đó chưa bao giờ thành sự thật. Công nghệ mới nghe rất hấp dẫn, nhưng điều quan trọng là cần nhìn tận mắt công nghệ này hoạt động”, Liam Dawe, chuyên gia công nghệ và là chủ sở hữu của GamingOnLinux, nhận định.