Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa chủ trì phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực, thuộc Hội đồng quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh vào 23/11.
Tại đây, các thành viên Ủy ban đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì xây dựng.
Trình bày dự thảo Đề án, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục & Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Mục tiêu chung của Đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân.
Đồng thời hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số.
Bên cạnh đó cũng phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bải giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử; triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số…
Cho ý kiến về dự thảo Đề án này, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: Chuyển đổi số của ngành Giáo dục cần làm sớm hơn vì nó tác động rất nhiều đến chất lượng đầu ra của giáo dục, đào tạo. Đầu ra đó chính là nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như nguồn lực chính để chuyển đổi số quốc gia.
Nhận định chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen; cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số giáo dục…, ông Lê Đăng Dũng đưa ra 3 việc lớn cần làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành; cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.
Còn theo Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng, có 3 nhóm vấn đề chính cần giải quyết khi triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.
Nhóm vấn đề đầu tiên là công nghệ.
Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến con người, học liệu, phương pháp học tập.
Cuối cùng là quản trị và chính sách. Quản trị từ Bộ đến các nhà trường phải thay đổi, kèm theo đó là chính sách kịp thời để công nhận kết quả ứng dụng được từ công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ngoài ra, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cũng chia sẻ, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, các nhà trường đã hết sức chủ động, linh hoạt chuyển sang dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, chuyển đổi số là việc hết sức cần thiết, trong trước mắt cũng như lâu dài.
Phát biểu hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban giáo dục và phát triển nhân lực khẳng định, ngành Giáo dục đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (digital transformation) là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên, với hy vọng 5-10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả.