Ngày 17/11, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức hội thảo chuyên ngành “Thúc đẩy chuyển đổi số-hướng tới sản xuất thông minh” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam-VIMEXPO 2022.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, sự kiện được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh. Qua đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng thông minh, tạo môi trường tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, đồng thời cập nhật thông tin về các chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung-cầu ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện các công ty chia sẻ về kinh nghiệm quá trình chuyển đổi số, nhà xưởng thông minh; trao đổi chia sẻ về thực trạng tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng giải pháp sản xuất thông minh.
Các ý kiến cho rằng, xu thế tất yếu của các doanh nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử Việt Nam hiện nay là ứng dụng công nghệ số và tự động hóa trong toàn bộ hoặc một số bước trong quy trình sản xuất, kinh doanh. Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, cần phải đẩy nhanh việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh. Đây là một quá trình dài, cần có chiến lược và giải pháp phù hợp.
Trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực.
Tham khảo:>> Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất
Như vậy, trong khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy, đồng thời cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao.