Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước độc lập, hùng cường, thịnh vượng.
Chuyển đổi số là xu thế, phong trào của thời đại
Sáng 10.10, phát biểu tại chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ hai liên tiếp tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đang là xu thế, phong trào của thời đại. Đây cũng là yêu cầu khách quan của một quốc gia, sự lựa chọn chiến lược xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, hiện đại và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị để góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước độc lập, hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng nhắc lại tinh thần, thông điệp xuyên suốt: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí ắt làm nên”.
Thủ tướng lưu ý chuyển đối số cũng có hai mặt, vừa có thời cơ, thuận lợi cũng vừa có thách thức. Điều quan trọng là phải có bản lĩnh, trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ thuận lợi và hóa giải có hiệu quả những thách thức khó khăn để phát triển đi lên.
Bên cạnh đó, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia và nền tảng của sự phát triển. Cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế số, xã hội số…
Không thể phát triển số, công nghệ số mà thiếu điện, thiếu sóng
Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 nhấn mạnh Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới, mô hình mới.
Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta không thể nói phát triển số, công nghệ số mà thiếu điện, thiếu sóng. Các doanh nghiệp của Nhà nước và tư nhân cần tiên phong phủ sóng, lưới điện cho mọi người dân. Đây là mong muốn lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta.
“Mình cứ nói nhưng mình không làm, cứ nói nhưng vẫn để thiếu điện, thiếu sóng thì không bao giờ toàn dân, toàn diện được”, Thủ tướng lưu ý và mong muốn phấn đấu không để nơi nào trên đất nước thiếu điện, thiếu sóng.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả hôm nay mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Trong đó, nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, nhất là dữ liệu số. Trong đó, vấn đề liên quan đến an ninh mạng, an ninh thông tin là những vấn đề đặt ra, cần được xử lý.
Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, Thủ tướng chỉ rõ điều này đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức quản lý, vận hành quản trị của xã hội.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn mà chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển với các quan điểm chủ đạo.
Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… Chúng ta có lúc phải đi sau, làm theo, đi theo nhưng phải vươn tới tầm làm chủ, dẫn dắt cuộc chơi.
Thủ tướng nhắc lại nhiều cái chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể. Tinh thần của dân tộc Việt Nam là như vậy.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương khi xây dựng chính sách, luật lệ cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tránh tập trung. Đi đôi với phân cấp, phân quyền phải là phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
“Hiện nay các cấp, các ngành, các bộ cứ ôm người mình để làm. Làm như thế thì làm sao mà hết được việc”, Thủ tướng nói và cho biết cần phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực hơn. Mỗi cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Đặc biệt, cần kiểm soát đầu ra nhiều hơn đầu vào.
Thủ tướng yêu cầu phải lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân. Bởi dân là người trực tiếp, là đối tượng bị tác động.
“Hiện nay một số bộ ngành có những lúc, có những nơi chưa thực sự lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Người ta là đối tượng thực thi, chịu tác động, người ta nói mà mình cứ cãi là mình đúng thì làm sao được” – Thủ tướng lưu ý.