Theo thống kê của Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, đến thời điểm này có đến 90% doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công. Do vậy, bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đâu là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số trong doanh nghiệp?…
Chia sẻ tại diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp: Hiểu đúng, để làm trúng”, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số.
Trong đó, chi phí triển khai chuyển đổi số là thách thức lớn nhất, không chỉ bao gồm chi phí thuê, mua phần mềm, giải pháp mà còn phát sinh thêm
các chi phí như: chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngành ngân hàng
CẦN ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HẤP THỤ CỦA DOANH NGHIỆP
TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đồng tình với kết quả khảo sát của VCCI rằng chuyển đổi số trong doanh nghiệp còn có nhiều rào cản.
Cụ thể như: chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hoá; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động…
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công ty LitCommerce, cho rằng rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là văn hóa, chứ không phải là công nghệ vì công nghệ hiện tại đã tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp có thể áp dụng trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số hiệu quả, theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, cần đánh giá năng lực hấp thụ của doanh nghiệp để thiết kế lộ trình chuyển đổi số phù hợp.
Không phải mua sắm một vài thiết bị công nghệ để sử dụng thì được xem như là đã chuyển đổi số, mà yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là thay đổi phương thức quản lý, phương thức tổ chức của những người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thành công cần căn cứ trên cơ sở khảo sát, điều tra, nghiên cứu, từ đó mới có cơ sở thiết kế chương trình đào tạo, tập huấn, xây dựng cho doanh nghiệp lộ trình chuyển đổi số thành công. Trong đó, thu thập thông tin liên quan đến sự sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và thực trạng năng lực của doanh nghiệp.
Theo ông Quân, khảo sát đánh giá này là cơ sở để xây dựng nội dung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nói chung và việc chuyển đổi số, sản xuất thông minh, như thiết kế nội dung chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số…
Đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi sang kinh tế số và sản xuất thông minh của doanh nghiệp; Xây dựng các đề án tư vấn cho doanh nghiệp về chuyển đổi sang kinh tế số và sản xuất thông minh.
Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi lớn, tiềm ẩn thách thức và cơ hội nên để tạo đột biến, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt, nhaỵ bén, khai thác được tiềm năng sẵn có.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong ba trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting.
Từ góc nhìn cá nhân, ông Thuận đã đưa ra sáu giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Đó là xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp; hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi số; hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số; khi tiến hành chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn; hỗ trợ, dùng các phương pháp công nghệ, công cụ công nghệ gắn với chuyển đổi số.
Cuối cùng, khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đặt mức độ nào theo tiêu chí đề ra. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng với doanh nghiệp chuyển đổi số.
THAY ĐỔI TƯ DUY, NHẬN THỨC
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ
Thông tin và Truyền thông), nhấn mạnh: chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc. Song để làm được điều này, ông Đường cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi doanh nghiệp trong năm 2021 với ba chỉ số thành phần, bao gồm: chỉ số chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chỉ số cho doanh nghiệp lớn và chỉ số cho các tập đoàn, tổng công ty.
“Thông qua bộ chỉ số, các doanh nghiệp sẽ có bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số, xác định được đang ở giai đoạn nào, khâu nào mạnh – yếu, đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, đưa ra các khuyến nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Đường cho biết.
Bên cạnh đó, ông Đường cũng chỉ ra rằng để chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy nhận thức, đồng thời tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, cũng như định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp để cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.
Ông Đường nhấn mạnh: để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tất cả các đơn vị bộ phận thuộc doanh nghiệp phải vào cuộc, thống nhất mục tiêu và hoạt động đồng bộ.
“Chuyển đổi số là tiến về phía trước. Nếu tất cả đều đi về một hướng thì thành công tự sẽ đến”, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm, Công ty Công nghệ thông tin VNPT nhận định, trụ cột chính xuyên suốt quá trình chuyển đổi số là năng lực lãnh đạo số.
Theo đại diện VNPT, lãnh đạo số đóng vai trò quan trọng khi cần nắm rõ kết quả doanh nghiệp muốn đạt được trong quá trình chuyển đổi số.
Để đáp ứng điều kiện chuyển đổi số, lãnh đạo phải đáp ứng các điều kiện về năng lực chuyển đổi số và cam kết chuyển đổi số. Trong đó, để doanh nghiệp chuyển đổi số có hiệu quả, không lãng phí thời gian, chi phí, lãnh đạo doanh nghiệp cần có suy nghĩ rõ ràng về kết quả mà doanh nghiệp muốn đạt được.
Đồng thời, cần dựa trên tình hình thực tế của công ty để xác định đích đến của chuyển đổi số là ở đâu. Do vậy, “các nhà lãnh đạo cần có suy xét cẩn thận, xem xem đâu mới là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng về nguồn lực thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp mình”, ông Dương nhấn mạnh.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng sự cam kết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ doanh nghiệp như việc thành lập các nhóm chiến lược trong chuyển đổi số. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố có tác động nhiều đến kết quả và hiệu quả chuyển đổi số.
Tham khảo:>> https://s-tech.info/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-logistics/
Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ tác động đến thành công của chuyển đổi số.