Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đánh giá nhờ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, Quận 7 trở thành hình mẫu trong chống dịch của TP HCM.
Từ 26/9, Quận 7 bắt đầu vận hành Trung tâm điều hành kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công. Trung tâm được thành lập chỉ trong vòng 10 ngày, do hơn 200 kỹ sư thuộc tập đoàn FPT phối hợp với UBND Quận 7. Bằng việc ứng dụng công nghệ như AI, Big Data…, sau hơn một tháng hoạt động, trung tâm hỗ trợ Quận 7 kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như đặt nền móng cho quá trình phục hồi kinh tế, hướng đến xây dựng chính quyền diện tử, chính quyền số hình mẫu của thành phố.
“Việc số hóa thông tin là mong muốn từ lâu của chúng ta. Lãnh đạo các cấp đều có thể chỉ đạo, ra quyết sách dựa trên những phân tích về dữ liệu, thậm chí dự báo được các kịch bản đề có hành động phù hợp. Đại dịch cũng là dịp thay đổi cách chúng ta làm việc. Những hoạt động của trung tâm là minh chứng cho thấy một tháng chuyển đổi số trong đại dịch có thể cho hiệu quả bằng cả năm trước đây”, ông Trương Gia Bình nói trong hội nghị đánh giá về hiệu quả của trung tâm giai đoạn một ngày 4/11.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND Quận 7, khẳng định: “Chuyển đổi số không chỉ giúp kiểm soát Covid-19 mà còn đẩy nhanh mục tiêu xây dựng hành chính công, chính quyền số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó giúp Quận 7 nhanh chóng ổn định an sinh, phục hồi kinh tế”.
“Đây là lần đầu tiên trong 24 năm từ khi thành lập Quận 7, tất cả dữ liệu về dân sinh, an ninh trật tự, số liệu Covid-19, tình hình ca nhiễm, tỷ lệ tiêm vaccine đến tình hình phục hồi kinh tế, giao thông… của quận được cập nhật hàng ngày, hàng giờ, kết nối với điện thoại của lãnh đạo”, ông Võ Khắc Thái, Bí thư Quận 7, nói.
Mô tả chi tiết hơn về kết quả đạt được sau khi vận hành trung tâm, ông Thành cho biết việc số hóa dữ liệu về ca dương tính, tỷ lệ phủ vaccine, nhân lực ngành y tế, tổ chăm sóc cộng đồng… đều được cập nhật liên tục đảm bảo lãnh đạo quận có được đánh giá chính xác về các vùng an toàn, thậm chí dự báo những kịch bản có thể xảy ra để chủ động ứng phó.
“Kết quả là từ 700 doanh nghiệp hoạt động trong đại dịch, đến nay quận có gần 4,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu ngân sách tháng 10 của quận đạt 470 tỷ đồng, gần bằng thu ngân sách của toàn quý III. Đến nay vẫn chưa phát hiện ca dương tính nào xuất hiện trong các hộ kinh doanh. Đó là những tín hiệu có thể khẳng định Quận 7 an toàn để hoạt động sản xuất”, Phó chủ tịch UBND Quận 7 nói.
Tham khảo:>> Giải pháp chuyển đổi số ngành Y tế
Ngoài việc tiếp nhận, chăm sóc F0 qua tổng đài 1022 của thành phố, quận cũng xây dựng tổng đài riêng, chăm sóc hai chiều. Ông Thành nêu ví dụ, một F0 gọi đến tổng đài sẽ được hệ thống tự động nối máy đến trạm y tế gần nhất. Trong vòng một phút, nếu bác sĩ ở trạm không nghe máy, cuộc gọi sẽ tự động chuyển đến bệnh viện Quận 7. Nếu một phút tiếp theo bệnh viện không bắt máy, người dân sẽ được kết nối đến chủ tịch phường và đến cấp cao hơn. Tất cả lịch sử cuộc gọi được ghi lại để quy trách nhiệm và tiến tới việc đánh giá cung cách, phục vụ người dân của cán bộ.
“Với dịch vụ hành chính công, người dân vẫn phải vào một cổng trực tuyến để nộp hồ sơ, sau đó vào một nền tảng khác để tra cứu, rồi lại vào một ứng dụng khác để phản ánh… Sắp tới, quận sẽ gom tất cả thành một ứng dụng tên Quận 7 trực tuyến để người dân thuận tiện trong việc đăng ký dịch vụ công”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục phối hợp cùng Quận 7 và TP HCM chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý thông tin, xây dựng, quản lý hệ thống chính quyền số, cấp phép điện tử trực tuyến với các dịch vụ đăng ký kinh doanh hộ, số nhà, đào đường…
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM, nhận định trong thời gian tới, 5K, vaccine, thuốc và công nghệ sẽ là trụ cột chống dịch. “Muốn an toàn phải kiểm soát được dịch bệnh. Muốn kiểm soát phải có công nghệ, không thể làm thủ công. Một tháng hợp tác giữa Quận 7 và FPT đã cho ra những hạt giống quý, cần nhân ra càng sớm càng tốt”, ông nói.
Tham khảo:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
Ông Nên cho rằng trong ba mục tiêu quan trọng là sức khoẻ của người dân, sức khoẻ của nền kinh tế và sinh hoạt đời sống của con người, công nghệ phải tiên phong, giải quyết các bài toán về dự báo, kiểm soát nguồn lây nhiễm. Nếu thực hiện được những điều này, niềm tin của nhân dân sẽ thay đổi. Nhân dân cần nhanh, minh bạch, trôi chảy – những điều công nghệ đã và đang thực hiện được.
Khương Nha