Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, chia sẻ: Đất nước ta, cũng như toàn thế giới, đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức chưa từng có đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam có thể đang ở thời điểm khó khăn nhất trong đại dịch này. Để tiếp tục vươn lên và phát triển, đòi hỏi mỗi chúng ta phải đồng lòng, góp sức, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đặc biệt phát huy được sức mạnh truyền thống của dân tộc.
“Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống, đi lên từ nông nghiệp. Trong đại dịch hiện nay, càng thấy rõ vai trò vốn có của nông nghiệp trong việc duy trì sự sinh tồn của xã hội. Phát triển nông nghiệp là nền tảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Đại dịch xảy ra, cũng đã chứng minh tính cấp thiết, hiệu quả và xu thế tất yếu của chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có định hướng quan trọng là: đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Dũng thông tin thêm, nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. “Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững”, Bộ trưởng phát biểu.
Mục tiêu được đặt ra là người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp số chính là một trong những chìa khoá để thực hiện thành công mục tiêu này.
Trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia cũng đã đề ra một số định hướng trong lĩnh vực nông nghiệp đó là:
– Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
– Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
– Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.
– Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
Cũng theo ông Dũng, với bối cảnh trên, việc tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19” là hết sức có ý nghĩa. Diễn đàn và triển lãm nông nghiệp số là tiền đề quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.
Tham khảo:>> dịch vụ tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp