Hiệu quả của các cơ sở dữ liệu nói chung, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phụ thuộc vào quá trình ứng dụng trong thực tế…
Chiều 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ sau khi được phê duyệt, một dự án lớn phục vụ cho chương trình trình chuyển đổi số ở tầm quốc gia đã được triển khai, thể hiện quyết tâm và nỗi lực rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số, xã hội số… trên lộ trình hình thành quốc gia số, theo định hướng Đại hội XIII của Đảng đã thông qua.
Quyết định nói trên và nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị là hết sức kịp thời, cần thiết, tạo cơ sở pháp lý và niềm tin để các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cả nước khai thác ứng dụng quan trọng này, phục vụ các hoạt động liên quan của tổ chức và cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử được ứng dụng để phục vụ 5 nhóm tiện ích: (1) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; và (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử được xây dựng công phu, cẩn trọng, tỉ mỉ và hết sức khoa học nhằm bảo đảm tính chính xác đến mức cao nhất về thông tin dữ liệu, và thuận lợi nhất cho việc ứng dụng để phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng v.v.
Để có được kết quả này, Bộ Công an đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung thông tin của hơn 98 triệu dân; và trên cơ sở đó, Bộ đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã, đang tích cực, khẩn trương triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ và chính quyền số, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm… để kết nối, chia sẻ trong không gian số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong số các cơ sở dữ liệu quốc gia nói trên, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những dữ liệu quan trọng nhất, vì nó gắn với từng người dân, từng gia đình – tế bào của xã hội; là nền tảng để hình thành công dân số, xã hội số, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử là một tài nguyên, tài sản quốc gia cực kỳ quan trọng, được đầu tư xây dựng bằng một nguồn lực rất lớn về tài chính, công sức và trí tuệ, có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, góp phần thay đổi nhận thức và phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản về công dân giữa các bộ, ngành và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là cùng với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác tạo cơ sở và điều kiện không thể thiếu, trở thành nền tảng phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Không có các cơ sở dữ liệu với tư cách là nội dung, là “nguyên liệu” để khai thác, kết nối, thì các nền tảng chuyển đổi số, dẫu là phần mềm, vẫn chỉ là lớp “vỏ” khô cứng, ít khả dụng, nếu không nói là vô dụng.
Hiệu quả của các cơ sở dữ liệu nói chung, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phụ thuộc vào quá trình ứng dụng trong thực tế.
Không khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng công phu, tốn kém, là một lãng phí lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít “lực cản”.
Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn khẳng định việc thực hiện đề án này là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tham khảo:>> https://chuyendoisodoanhnghiep.info/review-top-10-cong-ty-tu-van-chuyen-doi-so-tot-nhat-viet-nam/
Với quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 nói chung, cũng như mong đợi của người dân và doanh nghiệp nói riêng.