Ngày nay, QR code đã rất quen thuộc với tất cả mọi người khi xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Chỉ một thao tác với QR code, bạn có thể dễ dàng thanh toán, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hay truy cập thông tin,… Vậy QR Code là gì? Quét mã QR Code như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại mã thông minh này.
Mã QR Code là gì?
QR code – viết tắt của Quick response code – là một mã vạch ma trận (matrix-barcode) được phát triển bởi công ty Denso Wave (Nhật Bản) vào năm 1994. Đây là một mã vạch hai chiều có thể được đọc bởi máy đọc mã vạch hay ứng dụng quét mã QR trên điện thoại thông minh. Mã QR Code có dạng hình vuông với nhiều điểm đen trên nền trắng. Mã QR cung cấp thông tin nhanh hơn, tiết kiệm không gian nhiều hơn so với mã vạch truyền thống.
Một mã QR có thể chứa thông tin về vị trí địa lý, thông tin web, thời gian, địa điểm, thông tin liên hệ,… Hiện nay mã QR không những giúp người dùng truy xuất thông tin mà còn cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc điểm của mã QR Code khác mã vạch truyền thống
Tương tự như mã vạch truyền thống, mã QR code thường được dùng nhiều cho các sản phẩm hàng hóa. Mã QR giúp cho người bán theo dõi và quản lý sản phẩm trong kinh doanh. Mã QR cũng giúp người tiêu dùng có thể tự tra cứu nguồn gốc hàng hóa dễ dàng.
Tuy nhiên mã QR khác mã vạch truyền thống ở lượng dữ liệu mà nó chứa đựng. Mã vạch truyền thống chỉ là dạng mã vạch một chiều, chỉ chứa được 20 số và chữ số. Trong khi đó mã QR Code có thể lưu giữ hàng ngàn ký tự, với đa dạng thông tin.
Trong một mã QR Code có thể nhập tối đa 4296 ký tự hoặc 7089 chữ số. Ngoài ra các từ, cụm từ cũng có thể được mã hóa để đưa vào QR Code. Càng nhiều dữ liệu, kích thước của mã càng tăng lên, cấu trúc càng phức tạp hơn. Số lượng ký tự mã hóa với từng loại dữ liệu được quy định như sau:
- Dữ liệu là số đơn thuần: số ký tự mã hóa tối đa là 7089
- Với số và chữ cái, tối đa 4296 ký tự
- Với dữ liệu mã nhị phân mã hóa tối đa 2953 byte
- Với ngôn ngữ Kanji hay Kana: số ký tự mã hóa tối đa là 1.817
Ứng dụng của mã QR Code
Mã QR Code có thể chứa được lượng thông tin khổng lồ cùng tính bảo mật cao. Do đó nó được ứng dụng rất nhiều trong sản xuất kinh doanh cũng như đời sống hàng ngày.
Một mã QR Code có thể cung cấp thông tin về một trang Web, thông tin doanh nghiệp, thông tin cá nhân, thông tin địa lý, nguồn gốc sản phẩm,… Tùy thuộc vào dạng mã QR mà khi được quét nó sẽ dẫn bạn tới trang Web hay xem tin nhắn, gọi đến một số điện thoại,…
Một số ứng dụng của mã QR Code:
- Truy cứu nguồn gốc sản phẩm, được dùng như một dạng mã chống hàng giả
- Thanh toán thay cho tiền mặt, thẻ ngân hàng trong mua hàng hóa, dịch vụ
- Truy cập trang web nhanh chóng
- Tra cứu thông tin thời tiết
- Tra cứu lịch trình
- Tra cứu bản đồ
- Nhận thông tin về chương trình quảng cáo, khuyến mãi
- Ứng dụng trong quản lý doanh nghiệp, quản lý nhân sự,…
Quét mã QR Code
Để quét được mã QR Code, người dùng có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đối với thiết bị có hệ điều hành iOS có thể cài đặt ứng dụng RedLaser, Quick Scan,… Với thiết bị có hệ điều hành Android thì cài đặt ứng dụng như Barcode Generator, QuickMark QR Code Reader,…
Hiện nay, có nhiều ứng dụng tích hợp sẵn tính năng quét mã QR tiện lợi. Chẳng hạn như ứng dụng Zalo, Viber,…Các ứng dụng thanh toán hiện nay cũng tích hợp thanh toán bằng mã QR như Ví điện tử Momo, AirPay, QR Pay,…Hay các ứng dụng mobile banking của các ngân hàng.
Hiện nay mã QR Code đang ngày càng phổ biến nhờ những tiện nghi mà nó mang lại. Chỉ với thao tác quét mã QR đơn giản, bạn có thể nhận được vô số thông tin. Hy vọng bài viết này đã phần nào giải đáp cho bạn về câu hỏi QR Code là gì? Cũng như giúp bạn hiểu hơn về những đặc điểm của QR Code.