Cùng với việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hình thành nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh, cần có thêm nhiều mô hình “gần dân” để xây dựng lực lượng “công dân điện tử”
Thời gian qua, TP HCM đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, số lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp nhiều, hạ tầng viễn thông đang dần được xây dựng hoàn thiện.
Tuy nhiên, tỉ lệ người dân vào giải quyết thủ tục hành chính còn ít, đặc biệt là người dân ở địa bàn quận, huyện xa trung tâm, nhân dân lao động nghèo.
Có nhiều nguyên nhân, như: Người dân chưa có thói quen, kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến; điều kiện để tự trang bị thiết bị hiện đại kết nối internet còn khó khăn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa đầy đủ…
Để chuyển đổi số phát triển bền vững tại TP HCM, cần có thêm nhiều mô hình “gần dân”.
Mô hình giúp nhau học trực tuyến
Hiện có nhiều gia đình khá giả, muốn trang bị máy mới, hiện đại cho con em mình, hoặc có em được cha mẹ trang bị cả máy tính, iPad, điện thoại thông minh; trong khi đó có những gia đình vì điều kiện chưa mua nổi máy tính cho con em.
Thông qua các chương trình truyền thông, Sở Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Thành Đoàn, Sở Văn hóa – Thể thao vận động các hội, đoàn thể để những gia đình thay máy mới tặng lại máy cũ còn sử dụng được (hoặc cho mượn) cho con em gia đình nghèo, khó khăn. Sở Thông tin – Truyền thông
TP HCM vận động các doanh nghiệp viễn thông giúp đỡ hộ gia đình khó khăn được trang bị internet miễn phí để con em họ có điều kiên học trực tuyến.
Ngoài ra, Thành Đoàn phối hợp Sở Giáo dục – Đào tạo phát động mô hình “Giúp nhau học trực tuyến vượt qua Covid-19” trong giáo viên, học sinh.
Qua mô hình này, những học sinh được tiếp cận sớm với internet sẽ cùng với thầy cô hướng dẫn, giúp đỡ những học sinh mới tiếp cận internet thông qua học online.
Mô hình này không chỉ hỗ trợ học sinh lớp lớn mà còn với cả phụ huynh lớp tiểu học để phụ huynh trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn lại cho con em mình.
Đây cũng là cơ hội tạo thói quen cho mỗi gia đình thực hiện các ứng dụng điện tử, bắt đầu từ việc học tập của con em, kế đến là đăng ký các dịch vụ công; theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ; thanh toán phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công, các giao dịch khác… qua tài khoản công dân điện tử.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong giáo dục
Cán bộ Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mô hình “tổ dân phố, khu dân cư điện tử”
Nghị định 108/2020/NĐ-CP về việc bổ sung chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện; đã bổ sung chức năng nhiệm vụ của phòng văn hóa – thông tin là tham mưu giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin điện tử.
Tức nhiệm vụ tham mưu triển khai các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và tuyên truyền chuyển đổi số thuộc phòng văn hóa – thông tin là chính, các ngành khác phối hợp.
Trên thực tế, nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ tại các phòng văn hóa – thông tin thuộc các quận, huyên trên địa bàn thành phố phần lớn có chuyên môn và kinh nghiệm công tác trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình, báo chí, xuất bản… nhưng với công tác tham mưu thực hiện chuyển đổi số thì còn khá mới mẻ.
Tại các xã, phường cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa – thông tin thực hiện quá nhiều nhiệm vụ với số lượng nhân sự được quy định rất ít.
Cấp tỉnh có các sở với nhiều phòng, trung tâm chuyên môn; cấp phòng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; đến xã, phường chỉ có 1, 2 người tham mưu thực hiện trên tất cả các nội dung công việc.
Để xây dựng mô hình “tổ dân phố, khu dân cư điện tử” hoạt động hiệu quả, Sở Thông tin – Truyền thông cần tăng cường tập huấn thường xuyên kiến thức, kỹ năng nâng cao trình độ công nghệ thông tin, an toàn thông tin, sử dụng các hệ thống dùng chung; kỹ năng tham mưu thực hiện chuyển đổi số nói chung cho cán bộ văn hóa – thông tin, bộ phận “một cửa” và những ngành khác thuộc quận, huyện, xã, phường để có nhiều “công chức điện tử” hướng dẫn công dân thực hiện thông qua mô hình “tổ dân phố, khu dân cư điện tử”.
Xem thêm:>> các bước chuyển đổi số
Xem thêm:>> Giải pháp Chuyển đổi số cho doanh nghiệp tốt nhất 2021
Sở Văn hóa – Thể thao cần tăng cường nghiên cứu hướng dẫn nội dung hình thức tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp cho cán bộ cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số ở cơ sở.
Song song với việc cung cấp phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hình thành nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…, rất cần có thêm nhiều mô hình gần dân để xây dựng lực lượng “công dân điện tử” ngày càng lớn mạnh.