Nếu như trước đây “rào cản” chuyển đổi số nằm ở việc doanh nghiệp lo ngại về vốn, về nhân lực thực hiện, chưa hiểu quá trình này diễn ra như thế nào…, thì nay “điểm nghẽn” chuyển đổi số lại nằm ở việc sử dụng, khai thác dữ liệu.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tăng lợi ích và khách hàng tăng trải nghiệm…
Phá vỡ “ốc đảo” dữ liệu
Với kinh nghiệm thực tế cung cấp sản phẩm dịch vụ số cho khoảng 500.000 doanh nghiệp tại Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã chỉ ra một số khó khăn trong chuyển đổi số hiện nay. Đó là vấn đề về tích hợp, liên thông dữ liệu; nâng cao chất lượng dữ liệu phục vụ điều hành, quản trị; khai phá các giá trị mới từ dữ liệu, ra quyết định dựa trên dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp… Việc phá vỡ các “ốc đảo” này là thách thức đối với tổ chức, doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Base Nguyễn Thượng Tường Minh cho rằng, không ít doanh nghiệp “bị ngộp” trước những công nghệ phức tạp, đem tới trải nghiệm làm việc không đồng nhất và phân mảnh trên nhiều nền tảng khác nhau. Từ đó, nhà quản trị không thể tận dụng trọn vẹn tài nguyên và nắm bắt những điểm “nóng” phát sinh trong bức tranh tổng thể để ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Theo Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Cambodia Đỗ Thị Thu Hà, phần lớn doanh nghiệp đã kiếm được lợi nhuận từ đầu tư vào quản trị và phân tích dữ liệu, song vẫn đang gặp khó khăn trong việc xử lý các “ốc đảo” dữ liệu. Nhiều dữ liệu vẫn còn nằm rải rác và chưa được tích hợp đầy đủ.
Báo cáo về xu hướng công nghệ toàn cầu của KPMG (được khảo sát tại 2.100 doanh nghiệp có doanh thu tối thiểu 100 triệu USD/năm từ chuyển đổi số) cũng cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều hiểu chuyển đổi số mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời mang đến sự hài lòng cho nhân viên và sự trải nghiệm tốt từ khách hàng. 66% số doanh nghiệp đã có những nỗ lực chuyển đổi, phân tích dữ liệu đem đến lợi nhuận hoặc hiệu suất trong 12 tháng qua.
Trung bình, khoảng 15% doanh nghiệp có thể thường xuyên tạo ra lợi nhuận từ các yếu tố quản lý dữ liệu được đo lường. Đáng chú ý, 57% doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và AI tạo sinh, máy học, robotic…
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI lại phụ thuộc vào sự tin tưởng của người dùng bởi liên quan đến bảo mật, bảo vệ dữ liệu và chỉ khi giải quyết được những tồn tại này, AI mới được chấp nhận nhiều hơn. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã tự phát triển AI để bảo đảm an toàn.
Khai phóng dữ liệu tạo ra giá trị
Từ kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Đoàn Đại Phong cho rằng, doanh nghiệp biết phân tích, khai thác tốt dữ liệu sẽ có cơ hội thành công và khả năng tăng trưởng cao hơn so với doanh nghiệp kinh doanh theo cách truyền thống. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển gắn với khai thác dữ liệu, từ việc hiểu rõ hơn khách hàng đến tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Dữ liệu cũng cần phải định hình nên hành động và quyết định chiến lược, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp. Quan điểm này được Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phân tích dữ liệu Metric Hà Thanh Tùng nêu khi dẫn chứng khảo sát, có tới 60% công ty làm tốt việc nghiên cứu thị trường bằng dữ liệu sẽ có lợi nhuận cao hơn công ty không thực hiện việc này. 54% doanh nghiệp nhận định, việc phân tích dữ liệu sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu… “Một doanh nghiệp biết sử dụng dữ liệu lớn sẽ có 25% cơ hội tăng gấp đôi lợi nhuận của mình”, ông Hà Thanh Tùng cho hay.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Base Nguyễn Thượng Tường Minh, việc khai thác tốt dữ liệu sẽ nâng tầm sức mạnh quản trị tổ chức. Thực tế, các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào hệ thống dữ liệu nội bộ và điều này đã thúc đẩy quá trình ra quyết định nhanh chóng, nâng cao và cải thiện kết quả kinh doanh. Các ứng dụng được thiết kế dựa trên bức tranh tài chính toàn cảnh của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu giúp chủ doanh nghiệp nắm thông tin tài chính đầy đủ nhất, sớm nhất, để ra quyết định chính xác, kịp thời, đồng thời, bộ máy vận hành thông suốt và mọi nhân sự có thể cùng tham gia vào quy trình quản lý chi phí cho doanh nghiệp.
Các giải pháp dành cho doanh nghiệp không chỉ giúp tập trung dữ liệu, thiết kế trải nghiệm làm việc liền mạch và cá nhân hóa, mà còn giúp lãnh đạo nhìn sâu vào các chỉ số quan trọng nhất và tự tin đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho doanh nghiệp của mình.
Cam kết đồng hành về chuyển đổi số, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, Viettel đã xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây (cloud) tầm cỡ khu vực; cung cấp nền tảng và giải pháp ứng dụng các công nghệ 4.0 tiên tiến ứng dụng cho nhiều lĩnh vực; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các kỹ năng số, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực khó, mới như cloud, AI, big data… Đồng thời Viettel tiếp tục đầu tư, đóng góp cho cộng đồng công nghệ với chiến lược công nghệ mở, hạ tầng mở, hỗ trợ và đồng hành đắc lực cho cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức công nghệ.
“Viettel đã đầu tư bài bản trong nghiên cứu, làm chủ và triển khai nhiều công nghệ cốt lõi, đồng thời cam kết mang đến những nền tảng, công nghệ và giải pháp tốt nhất giúp các tổ chức, doanh nghiệp khai phóng tiềm năng số của mình”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.