Chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế – xã hội trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò chủ đạo cho sự phát triển chung của đất nước. Tại Hà Nội, công tác chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải cũng đang được quan tâm, kỳ vọng sẽ là bước đột phá cho việc thực hiện mục tiêu của ngành và mang lại sự tiện ích, thuận lợi, an toàn cho người dân.
Thời gian qua, ở Thủ đô Hà Nội, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước chuyển đổi số trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện các nội dung về nâng cấp hạ tầng CNTT; lựa chọn cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN).
Các loại hình giao thông thông minh, hiện đại sẽ giúp Thủ đô Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải. |
Tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người dân
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, việc đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, sau đó có thông báo đến trung tâm hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại; từ đó giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây.
Người dân đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cấp đổi giấy phép lái xe. |
Bên cạnh thủ tục trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải…
Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả
Cũng theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố hoàn thành 100% chuyển đổi số các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các đơn vị thuộc UBND; hình thành được cơ sở dữ liệu về quản lý giao thông vận tải.
Thành phố cũng sẽ áp dụng thí điểm BIM (Building Information Modeling – là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình) trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho khoảng từ 1-3 công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến để đổi mới công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Hình thành nguồn nhân lực dần đáp ứng làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những ứng dụng công nghệ mới. Đến năm 2030, thành phố cơ bản hoàn thành các kế hoạch nêu trên.
Hệ thống biển báo thông minh sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lý hình ảnh bằng camera do Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang thí điểm. |
UBND TP Hà Nội cũng đã giao các sở, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chia sẻ dữ liệu liên quan giữa các bộ, ngành và địa phương; tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa được tích hợp trong cơ sở dữ liệu chung của ngành Giao thông vận tải, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lớn của ngành Giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương. Kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các lĩnh vực Giao thông vận tải và giữa Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, yêu cầu đẩy nhanh đầu tư xây dựng các phần mềm ứng dụng các chuyên ngành Giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng thiết bị, máy móc tự động hóa, robot hóa trong các dây chuyền thi công khép kín (robot đào hầm, in 3D cấu kiện công trình, máy rải thảm mặt đường tự động, lu tự động…).
Việc chuyển đổi số và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng CNTT giúp giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, các đơn vị thuộc sở tiếp tục giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh và bảng LED trên xe và một số nhà chờ, ứng dụng tìm xe buýt cho hành khách, hệ thống mua vé online; đồng thời tiếp tục duy trì, vận hành phần mềm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (RBMS) và phản ánh sự cố, hư hỏng mất an toàn giao thông (GT247) vào phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả.