Trước tình cảnh đại dịch Covid -19 sẽ còn kéo dài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đẩy mạnh quá trình số trong trong doanh nghiệp để không bị tụt hậu trong chuyển đổi số. Đặc biệt, là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ngay lập tức.
Ngày 9/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hewlett Packard Enterprise (HPE) Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Elite và Aruba tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số – Từ chính sách đến giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp toàn quốc, trên nền tảng trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam định hướng khung chuyển đổi số, tìm ra những giải pháp thực tiễn phù hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi số thành công. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số như: thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp, …
Để thích ứng với bối cảnh mới và không bị tụt hậu trong chuyển đổi số, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đẩy nhanh quá trình số hoá trong doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong dịch; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo khảo sát của VCCI với 10.000 doanh nghiệp toàn quốc thì dịch COVID-19 tác động tới hơn 87% doanh nghiệp; trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% chịu thiệt hại nhiều nhất do những hạn chế về nhân lực, thị trường.
Dịch cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm gián đoạn. Đa số các doanh nghiệp giảm từ 50-90% doanh thu so với trước dịch, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Do vậy, để tiếp tục vận hành và phát triển, nhiều doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, đẩy nhanh số hóa. Đặc biệt, tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng công nghệ số sẽ hỗ trợ nhân viên làm việc tốt hơn; giúp gắn kết khách hàng, tối ưu hóa vận hành và chuyển đổi sản phẩm. Đơn cử như trong việc gắn kết khách hàng, doanh nghiệp có thể ứng dụng các quảng cáo kỹ thuật số; quản lý, phân tích dữ liệu khách hàng, thương mại trực tuyến và cung cấp cho khách hàng các trải nghiệm đa kênh. Với việc tối ưu hóa vận hành, chuyển đổi số thực hiện ở chuỗi cung ứng và hậu cần dựa vào dữ liệu, quản lý thiết bị số, kiểm soát chất lượng và quy trình thông minh…
Theo chia sẻ của bà Dương Hạnh Phúc, Giám đốc Tiếp thị, HPE Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tăng tốc chuyển đổi số, đồng thời đảm bảo mọi hoạt động diễn ra thông suốt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh hơn trong và sau đại dịch COVID-19. Dữ liệu được bảo mật tuyệt đối ở mức chi phí đầu tư vừa phải thông qua tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, bà Phúc đã giới thiệu những danh mục sản phẩm và dịch vụ tư vấn tích hợp của HPE và Aruba, nhằm trợ lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cuộc đua số hóa.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề “doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu từ đâu”. Chia sẻ về vấn đề này, ông Tôn Anh Dũng, Giám đốc sản phẩm, Công ty cổ phần Công nghệ Elite cho hay, chuyển đổi số hiểu đơn giản là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị mới, mô hình kinh doanh mới. Do vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy và nhận thức. Chủ doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội cho đơn vị và người lao động thì mới có hành động phù hợp. Quá trình chuyển đổi số hoàn toàn không khó, hầu hết các doanh nghiệp đã có thực hiện trước đây nhưng còn rời rạc, chưa làm đồng bộ và bài bản.
Ông Tôn Anh Dũng cũng nêu một số giải pháp thực tiễn kèm một số mô hình công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Theo đó, các mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp có thể dùng cho từ 50 – 200 người dùng, theo các gói từ 50-200 triệu đồng…/.