Dù là điểm sáng trên bản đồ blockchain thế giới, hầu hết công ty blockchain Việt lại chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở để tránh rủi ro pháp lý.
Thống kê của Yield Guild Games (YGG SEA) đến đầu tháng 5 cho thấy, thị trường Việt Nam có khoảng 1.000 dự án game blockchain đang triển khai. Nổi bật nhất là Sky Mavis với game Axie Infinity, từng có tổng giá trị vốn hóa đạt mốc 9,7 tỷ USD. Khoảng 10 startup Việt trong lĩnh vực blockchain hiện có vốn hóa trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, đa số đặt trụ sở ở nước ngoài trong khi thị trường và nhân lực hầu hết đều ở Việt Nam.
Sky Mavis với đa số thành viên sáng lập là người Việt, đội ngũ nhân sự ngồi tại TP HCM nhưng trên giấy tờ, trụ sở của công ty là ở Singapore. Tương tự, hàng loạt startup blockchain hàng đầu hiện nay như KardiaChain, Kyber Network hay Tomochain đều đăng ký “khai sinh” tại quốc đảo này.
Theo ông Cris Duy Trần, đồng sáng lập FAM Central kiêm Giám đốc Quỹ khởi nghiệp quốc gia, việc các công ty blockchain chọn Singapore, Hong Kong, Malaysia… để đặt trụ sở là xu thế tất yếu vì có những chính sách phù hợp, thân thiện. Việt Nam chưa có những quy định pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này nên chưa thuận tiện trong hoạt động, gọi vốn.
Ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập KardiaChain, cho biết khoảng 5-7 năm trước khi ở nước ngoài, ông cũng chọn Singapore để đặt trụ sở công ty khởi nghiệp vì hành lang pháp lý rõ ràng, được pháp luật quốc tế công nhận.
“Đây là xu hướng chung của cả thế giới chứ không riêng giới khởi nghiệp Việt Nam”, ông nói. “Đến giai đoạn 2020-2021, thị trường blockchain Việt bùng nổ, các công ty vẫn tiếp tục chọn Singapore vì khoảng cách gần, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, các công ty luật về blockchain vốn không nhiều, họ có sẵn kết nối ở Singapore nên các dự án sau này đều đi theo con đường của người đi trước”.
Thế khó của startup blockchain
Theo ông Nguyễn Thành Trung, CEO Sky Mavis, việc các dự án thường chọn Singapore liên quan trực tiếp đến việc luân chuyển dòng vốn. “Khi công ty cần mở rộng ra thị trường quốc tế, việc nhận đầu tư nước ngoài ở Singapore thuận tiện hơn nhiều so với gọi vốn từ Việt Nam. Luật ở Singapore cũng rõ ràng, trong khi tại Việt Nam, các thương vụ có giá trị càng lớn thì càng gặp rào cản lớn”, ông nói.
Tham khảo:>> Mạng blockchain của Axie Infinity bị hack hơn 600 triệu USD
Ông Trung nhận định, các startup ban đầu thường có quy mô nhỏ, nên việc làm sao để sống sót, phù hợp với mục đích kinh doanh quan trọng hơn nhiều việc suy nghĩ làm sao để phù hợp với tất cả khung luật. Ở Việt Nam, một công ty blockchain phải mất 3-6 tháng để hoàn tất các thủ tục, khi đó chưa kịp nhận đầu tư, dự án có thể đã chết rồi.
Đồng quan điểm, ông Huy Nguyễn cho rằng Việt Nam chưa có luật cho lĩnh vực blockchain và các ứng dụng liên quan nên còn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư khi có tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp quốc tế.
Ở góc độ nhà phát triển dự án, ông Trung đánh giá bộ khung pháp lý rõ ràng là điểm cộng với startup blockchain chứ không phải điểm trừ. “Mô hình hoạt động khi chưa có khung pháp lý khiến các startup luôn cảm thấy lo sợ, không biết ngày mai sẽ thế nào. Chúng ta luôn phải vận hành theo hướng phòng thủ, phải suy nghĩ xem nên làm cái gì, trong khi lẽ ra thời gian, tâm trí lo lắng đó phải dành cho việc kinh doanh và phát triển dự án”, ông nói.
Để dự án Việt không mang ‘quốc tịch’ nước ngoài
Tại sự kiện Vietnam Blockchain Expoverse diễn ra ở Dubai hồi cuối tháng 3, bà Nguyễn Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Các quốc gia khác nhau có trình độ phát triển kinh tế, công nghệ khác nhau nên việc áp dụng những công nghệ mới cũng không giống nhau. Khi tiếp xúc startup, tôi hiểu rằng trên thực tế, các bạn chỉ sang Singapore để giải quyết vấn đề gọi vốn, sau đó lại mang tiền về Việt Nam vận hành dự án. Tôi hy vọng trong tương lai, các dự án dễ dàng hơn trong việc kêu gọi vốn quốc tế. Các cơ quan chức năng cũng đang có những kế hoạch tổng thể, sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ về đầu tư cho startup”.
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng là người Việt, ai cũng mong muốn làm điều tốt nhất cho quê hương. Nhưng khi vận hành một doanh nghiệp, người đứng đầu phải chọn lựa những gì tốt nhất để dự án có thể tồn tại và phát triển trước khi nghĩ đến những cái khác.
Theo các chuyên gia, nếu dự án đặt trụ sở trong nước, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều thứ. Đầu tiên là nguồn vốn nước từ nước ngoài đổ về, khi đó việc đầu tư cho đội ngũ nhân sự sẽ được chú trọng hơn. Tiếp đến là nguồn thu thuế từ các dự án. Cuối cùng là hiệu ứng truyền thông. Thế giới sẽ có đánh giá tích cực khi nhìn về Việt Nam khi mở cửa cho công nghệ, nhà đầu tư quốc tế.
“Nếu dự án đặt ở nước ngoài, chúng ta không mang được hình ảnh thương hiệu Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp, dẫn đầu về xu thế công nghệ. Đây là một dạng chảy máu chất xám khi nhân lực đến từ Việt Nam, do kỹ sư trong nước thiết kế nhưng lại mang ‘quốc tịch’ nước láng giềng”, ông Cris Duy Trần nói.
Từ kinh nghiệm quan sát được ở Thung lũng Silicon và nhiều nơi trên thế giới, ông Huy Nguyễn cho rằng không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng thiếu những quy định rõ ràng về tài sản số, NFT hay tiền điện tử. Để có thể tận dụng tối đa cơ hội blockchain mang lại, Việt Nam nên có một hành lang pháp lý phù hợp với những luật cụ thể từ mức cơ bản nhất.
Tham khảo:>> Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế
Theo cựu quản lý cấp cao của Google, những chính sách thử nghiệm (sandbox) đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy những công ty mới ra đời. “Phải có luật pháp, cơ chế thưởng phạt rõ ràng để xử lý phân minh, giải quyết những cái xấu, thị trường blockchain Việt mới có thể phát triển bền vững”, ông nói.
Khương Nha