Chuyển đổi số là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động, phục hồi và vươn lên trong đại dịch Covid-19; cũng là hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong tương lai. Vì vậy, việc xây dựng các nền tảng số đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp không chỉ là giải pháp hỗ trợ mà còn là sự cam kết đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp công nghệ với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong Logistics
Giúp nâng cao hiệu quả hoạt động
Đại dịch Covid-19 đã khiến trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ước doanh thu của khối doanh nghiệp này giảm trên 50%. Ngoài ra, 24% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và số doanh nghiệp thành lập mới giảm trên 15%. Chuyển đổi số được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức này. Câu chuyện của Công ty cổ phần Tập đoàn 365Group (Hà Nội), kinh doanh chính về lĩnh vực logistics, là một ví dụ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bằng, quản lý nhân sự công ty, trong khó khăn, 365Group quyết định đầu tư áp dụng nền tảng quản trị doanh nghiệp. Nhờ đó, tiến độ làm việc được đẩy nhanh hơn, việc đánh giá hiệu suất làm việc từng nhân sự chính xác hơn. Trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh, quy trình đề xuất và phê duyệt đề xuất, vận hành, quản trị… vẫn bảo đảm dù nhân viên chuyển sang làm việc trực tuyến. Thậm chí, các cán bộ, nhân viên của 365Group thích thú hơn khi làm việc trên nền tảng số.
Thực tế, chuyển đổi số hiểu đơn giản là việc áp dụng công nghệ để thích ứng với tình trạng “bình thường mới”. Chuyển đổi số là giải pháp nâng cao kênh bán hàng số, mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiếp xúc, hợp đồng số. Chuyển đổi số cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp tăng khả năng tự động hóa – ứng dụng robot; đáp ứng nhu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; vận chuyển hàng hóa qua các vùng cách ly và qua biên giới…
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, trung bình mỗi doanh nghiệp có thể tiết kiệm 300 giờ làm việc/năm khi sử dụng các nền tảng số. Ước tính với hơn 800.000 doanh nghiệp, con số tiết kiệm được có thể lên đến hơn 8.000 tỷ đồng/năm.
Hỗ trợ ở mức tối đa
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Trọng Đường thông tin, qua nghiên cứu, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ đem lại cho khu vực 3.100 tỷ USD (khoảng 72 triệu tỷ đồng) vào năm 2024. Với Việt Nam, trong số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98%. Khối doanh nghiệp này sử dụng đến 70% lao động và đóng góp tới 50% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi và đến năm 2024, GDP sẽ có thêm 30 tỷ USD (khoảng 705.000 tỷ đồng).
Tham khảo:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất
Rõ ràng, chuyển đổi số với các doanh nghiệp là nhu cầu cấp thiết trong đại dịch Covid-19, đồng thời cũng là xu hướng phát triển trong tương lai. Từ tháng 1-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEdx). Sau hơn 1 năm, chương trình SMEdx đã chọn được 23 nền tảng số xuất sắc do doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam xây dựng để giới thiệu tới các doanh nghiệp… Trong năm 2021, đã có 16.000 doanh nghiệp lựa chọn sử dụng các nền tảng chuyển đổi số này. Tuy nhiên, chỉ có 47% doanh nghiệp Việt Nam coi chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết (con số này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 69%).
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Nguyễn Trọng Đường cho hay, doanh nghiệp khi sử dụng nền tảng số qua SMEdx sẽ được đào tạo, chuyển giao quy trình chuẩn, cho phép doanh nghiệp vừa ứng dụng công nghệ, vừa thay đổi, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, các nền tảng số được lựa chọn này sẽ tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần đầu tư nhiều thiết bị, hạ tầng; thời gian triển khai nhanh, chỉ từ vài giờ đến 1 ngày là có thể áp dụng… Các nền tảng số được lựa chọn có chính sách 6 tháng miễn phí dùng thử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu ký hợp đồng 1 năm thì được miễn phí 6 tháng. Với các doanh nghiệp công nghệ số, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường.
Cùng với việc đưa ra các nền tảng số xuất sắc để “chỉ đường” cho doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (DBI). Đây được coi là thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước.
Đánh giá về quá trình đồng hành chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, nền tảng số là giải pháp đột phá, đưa công nghệ số trở thành một dịch vụ, yếu tố “đầu vào” cho sản xuất… “Mục tiêu làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ số như sử dụng điện, nước, có như vậy chuyển đổi số mới thành công”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.