Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới cùng tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) buộc phải thay đổi để thích ứng, phát triển bền vững.
Doanh nghiệp băn khoăn
Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho DN, nhưng cũng là dịp để DN thay đổi tư duy, ứng dụng số, thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm và dần bước chân vào chuyển đổi số (CĐS), tạo ra hiệu quả đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vươn lên khẳng định thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, cho biết từ trước khi xảy ra dịch bệnh DN đã ứng dụng CĐS, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Dịch bệnh xảy ra nhưng các hoạt động sản xuất của công ty không bị ảnh hưởng nhiều.
Có thể nhận thấy, bên cạnh một số DN nhanh chóng tiếp cận, đi theo xu hướng CĐS thông qua công tác đào tạo lại lao động, đầu tư máy móc, thiết bị khoa học công nghệ, vẫn có không ít DN còn băn khoăn với CĐS. Chị Nguyễn Thị Hiên, kế toán Công ty TNHH Xây dựng Vạn Thịnh Phát, cho biết khi thực hiện giãn cách xã hội, chị phải làm việc tại nhà nhưng không có dữ liệu cũ trên hệ thống, việc kết sổ gần như bị gián đoạn. Bài toán đặt ra cho người làm công tác kế toán là có cách nào để kết nối dữ liệu giữa các máy tính với nhau mà không cần phải sao lưu, không ảnh hưởng đến tiến độ làm việc tại nhà. “Trong tình huống này, tôi nhận thấy việc chủ động làm việc online, CĐS thật sự rất cần thiết trong DN”, chị Nguyễn Thị Hiên nói
Ông Chu Khắc Thịnh, Chủ tịch Hội DN huyện Phú Giáo, cho biết đa số DN hiện nay trên địa bàn huyện đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, còn mơ hồ và chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ có số ít DN đang triển khai các biện pháp ứng phó. “Vì vậy, DN rất cần có các chính sách hỗ trợ về nhiều mặt như vốn, thông tin, hỗ trợ tư vấn, nền tảng công nghệ… để có thể tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới, chủ động CĐS”, ông Thịnh nói.
Rất cần hỗ trợ
Chia sẻ về tầm quan trọng của CĐS với DN nói chung và các DNVVN nói riêng, ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương, nhận định CĐS mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN còn khá mơ hồ về khái niệm và chưa muốn CĐS. Theo thống kê, hiện có khoảng dưới 30% các DN cả nước đang có những ứng dụng số rất riêng lẻ trong việc quản trị cơ bản, 70% DN còn lại gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện CĐS. Riêng đối với việc ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động thương mại tại Bình Dương chỉ mới có 1% số tiền được thanh toán qua sàn thương mại dịch vụ tiêu dùng.
Trở ngại lớn nhất vẫn là nhận thức, kế đó là giới hạn của DNVVN về nguồn lực tài chính, nhân lực, ngại khó khăn, tiếp cận cộng nghệ… khiến nhiều DN chậm chân trong cuộc cách mạng nghiệp 4.0. “Trong thời gian tới, ngoài việc các cơ quan Nhà nước đang tiếp tục hỗ trợ các giải pháp, đặc biệt là khung CĐS. Các DN cần nghiên cứu thêm các bước, có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc cải cách hiệu quả”, ông Lai Xuân Thành nói.
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số
Về phía nhà cung cấp các giải pháp dịch vụ CĐS, đại diện Công ty Cổ phần Misa, cho biết đón đầu xu hướng công nghệ, Misa đang cung cấp các giải pháp số về làm việc online lẫn offline các nghiệp vụ quản trị như kế toán, bán hàng, nhân sự… Trên nền tảng, ứng dụng công nghệ tiên tiến và linh hoạt kết nối các dịch vụ giúp DN nâng cao năng suất làm việc, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Hiện nhiều DN đang áp dụng mô hình 50/50, làm việc ở nhà và công ty khi có thiên tai nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tiến độ làm việc, đầu tư CĐS đang mang lại hiệu quả rất khả quan.