Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Nam – Phó giám đốc VCCI HCM tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong Quản trị nhân sự: Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết, trong những năm gần đây, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong phát triển được chính phủ các nước trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại. Đồng thời, khẳng định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nam, để thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả, chúng ta cần rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; cần có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Về kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; và mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP”, Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam thông tin.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Ông Nam cho biết, kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do VCCI thực hiện, khảo sát trên 400 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ, …
“Còn theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Điều này càng khẳng định, chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam trong tương lai”, ông Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, hiện nay, hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang loay hoay chuyển đổi số, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Dẫn báo cáo của CISCO về “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp SMEs khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Hữu Nam cho biết, các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%), …
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp
“Từ những thực trạng nêu trên, hội thảo này sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực thông qua chuyển đổi số, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn để các doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số”, Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam khẳng định.