Nâng cao hiệu suất hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao |
Tuy nhiên, theo khảo sát của Công ty Công nghệ CISCO, hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường, sử dụng khoảng 80% máy móc, công nghệ cũ của thập niên 1980-1990 nên gặp nhiều khó khăn chuyển đổi số. Đa phần, các DNNVV chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, có nhiều quan điểm sai lầm và lạc hậu về chuyển đổi số. 22,7% DNNVV còn thiếu kỹ năng số và nguồn nhân lực; 21,6% thiếu thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để có thể chuyển đổi số; 20% doanh nghiệp còn thiếu tư duy về kỹ thuật số…
Lợi ích của chuyển đổi số là rõ ràng. Tuy nhiên, để thích ứng được với chuyển đổi số, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp sản xuất cần tập trung vào 5 định hướng sau:
- Thứ nhất, phải triển khai những giải pháp và ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, thay đổi cách thức nhân viên giao tiếp, cộng tác và chia sẻ dữ liệu trong công việc.
- Thứ hai, xây dựng nhà máy linh hoạt, áp dụng công nghệ mới và IoT vào vận hành để đảm bảo chuỗi sản xuất hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng suất lao động.
- Thứ ba, kết nối với khách hàng theo những cách thức mới, dựa trên ứng dụng các nền tảng công nghệ số, đem lại những trải nghiệm mới mang lại lợi ích cho khách hàng đối với toàn bộ các kênh dịch vụ, bán hàng và marketing.
- Thứ tư, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững để nâng cao khả năng truy xuất, thiết lập kế hoạch đánh giá rủi ro, xử lý khủng hoảng, triển khai chuỗi cung ứng tự chủ.
- Thứ năm, tạo ra những dịch vụ mới thông qua khám phá các giá trị kinh doanh khác biệt trên nền tảng công nghệ số và phát triển sản phẩm thông minh, bền vững.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI – nhấn mạnh: Chuyển đổi số với doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là một hướng đi rất quan trọng. Đó không chỉ đơn thuần là tự động hóa dây chuyền, hay phân tích tốt hơn các dữ liệu, mà chính là nhận thức, là thay đổi trong tư duy, thay đổi cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong quản trị, vận hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất thích ứng với tình hình mới. Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại vào tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu suất hoạt động. Cần phải có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, xây dựng kế hoạch chi tiết chuyển đổi số cho từng giai đoạn có thể lượng hóa được mọi tiêu chí bằng thước đo cụ thể nhất.
Theo ông Lê Văn Khương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu có 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi số; phấn đấu có 100 doanh nghiệp thành công điển hình trong chuyển đổi số hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số.
Tham khảo:>> Top 10 công ty tư vấn dịch vụ chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi số hiệu quả, ông Lê Văn Khương cũng cho rằng, DNNVV Việt Nam cần có tầm nhìn, xây dựng chiến lược phù hợp, chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng công nghệ, văn hóa doanh nghiệp, đào tạo nhân viên, các nguồn lực cần thiết, loại bỏ các bất cập tồn đọng trong quản trị và tổ chức sản xuất, tập trung chuyển đổi số vào các vấn đề cốt lõi hướng tới sản xuất thông minh, tránh “cạm bẫy công nghệ”.