Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong hành trình này nhưng cũng cần vượt qua những thách thức và khó khăn để có thể hoàn thiện và tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số…
Thời gian gần đây, chuyển đổi số đã trở thành một từ khóa được quan tâm hàng đầu trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP MỚI Ở BƯỚC ĐẦU SỐ HÓA
Đại diện cho đơn vị tư vấn và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM, nhận xét đại dịch Covid-19 và sự phát triển của ngành công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số và nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề và còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Theo chuyên gia này, nếu nhìn từ thực trạng chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, thì phần lớn doanh nghiệp mới chỉ đang ở giai đoạn khởi động, thậm chí có những doanh nghiệp vẫn đứng ngoài nền kinh tế số. Chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới có những bước tiến và phát triển thực sự trong công cuộc chuyển đổi số.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có định hướng chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này khiến các doanh nghiệp bị loay hoay hoặc lãng phí thời gian và tiền bạc. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược, lộ trình rõ ràng và hiệu quả để định hướng. Chiến lược này nên đảm bảo rằng các công nghệ mới được triển khai một cách liên tục và hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Lộ trình chuyển đổi số toàn diện nên bao gồm các giai đoạn chuẩn bị và bước đệm để chuyển dần từ “doing digital” sang “being digital”.
Theo báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022”, có đến 48,8% doanh nghiệp từng chuyển đổi số nhưng hiện không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp. Trong số này có hơn 35% doanh nghiệp đã số hóa tài liệu, quy trình. Một tỷ lệ nhỏ (2,2%) các doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về hiện trạng chuyển đổi số doanh nghiệp, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số khu vực miền Nam của Base.vn, cho biết thực tế số doanh nghiệp không thành công trong chuyển đổi số từng đến 70%, thậm chí hơn thế. Điều này có nghĩa cứ 100 doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số thì 70 thất bại. Con số hơn 48% có vẻ không tích cực nhưng lại phản ánh đúng thực trạng. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy tình hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã tốt hơn nhiều so với trước đây.
NHỮNG LÝ DO KHIẾN DOANH NGHIỆP BỎ CUỘC GIỮA CHỪNG
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo chuyên gia tư vấn, trước hết là do nhận thức, tư duy chưa đúng của nhiều doanh nghiệp về chuyển đổi số. Ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các giải pháp công nghệ số một thời gian, nhưng do thấy không hiệu quả nên đã dừng.
“Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu. Các diễn biến của chuyển đổi số năm sau đều chuyển dịch tích cực hơn năm trước. Tuy nhiên, bài toán về tính hiệu quả với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn chưa có nhiều đột phá và vẫn loay hoay với câu chuyện “con gà, quả trứng” trong chuyển đổi số. Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì chuyển đổi số mới mang lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.
Theo ông Hùng, chuyển đổi số có nhiều bước nhưng có những khâu sẽ phức tạp hơn so với khi chưa chuyển đổi. Khi áp dụng các công nghệ số vào khâu quản trị và vận hành có thể khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên cồng kềnh, phức tạp, làm tăng chi phí đầu tư và vận hành so với khi chưa chuyển đổi. Đây là rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi triển khai chuyển đổi số.
Còn theo ông Trần Tuấn Anh, chuyển đổi số là một hành trình dài và phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của số hóa. Ở giai đoạn này, công nghệ phần mềm mới giúp các bộ phận, phòng ban doanh nghiệp có thể tương tác và vận hành hiệu quả từ xa.
Trong đại dịch, công nghệ đã làm tốt vai trò này. Khi dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp không còn nhu cầu vận hành từ xa nhiều. Doanh nghiệp có xu hướng nhìn lại khoản chi phí đã bỏ ra mua phần mềm và thấy không còn phù hợp, bởi họ mới chỉ đang dừng ở bước số hóa, chưa nhìn nhận được những hiệu quả của dữ liệu hóa và tối ưu hóa.
“Để doanh nghiệp có thể kiên trì trên hành trình này, bứt phá và vượt lên khỏi giai đoạn số hóa và hưởng lợi nhiều hơn từ công nghệ vẫn là một bài toán khó ở thị trường Việt Nam. Cho dù thế nào thì vai trò, tầm nhìn của người lãnh đạo cũng rất quan trọng, bởi khi mục tiêu và tầm nhìn ngắn hạn, doanh nghiệp khó có thể đi đến cuối. Chủ doanh nghiệp nên nghiêm túc nhìn nhận để xác định rõ ràng chiến lược, kế hoạch dài hạn và tập trung vào mục tiêu cuối”.
Dựa trên kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Minh khẳng định, không chỉ riêng với hoạt động chuyển đổi số mà bất kỳ việc áp dụng phương pháp mới nào vào quản trị doanh nghiệp đều có những rủi ro về tính phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Để triển khai chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải có quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, không tránh khỏi một số doanh nghiệp có thể không còn sử dụng các công nghệ số và phần mềm mới đã dùng trước đó bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, các doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ phương án triển khai. Các công nghệ số và phần mềm mới thường cần chi phí đầu tư để triển khai và vận hành, bảo trì. Bên cạnh đó, giai đoạn đánh giá yêu cầu phần mềm ban đầu chưa chặt chẽ, doanh nghiệp đặt kỳ vọng quá cao, quy trình sau khi triển khai phần mềm chưa hợp lý hoặc không theo kịp.
Thứ hai, một số giải pháp phần mềm mới có thể không đáp ứng được yêu cầu kinh doanh thay đổi theo từng giai đoạn của doanh nghiệp. Điều này có thể xảy ra nếu doanh nghiệp đã phát triển, mở rộng mô hình hoặc thay đổi phương thức kinh doanh. Khi đó, hệ thống chuyển đổi số cũ không còn phù hợp và đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Thứ ba, thiếu sự đồng thuận trong tổ chức, sự nhất quán và kiên quyết của lãnh đạo. Khi triển khai, các bộ phận trong doanh nghiệp có thể chưa chấp nhận hoặc muốn sử dụng công nghệ số và phần mềm mới, dẫn đến sự phân cách và giới hạn trong triển khai, vận hành hệ thống.
Thứ tư, khi đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đã phát triển các công nghệ hoặc phần mềm mới hơn và tốt hơn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất để giữ vị trí cạnh tranh…