Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý nhà nước và hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã phối hợp các bộ ngành đẩy nhanh tiến trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT. Hệ thống cơ sở dữ liệu sau khi hoàn thiện sẽ được kết nối liên thông và chia sẻ với các bộ ngành chức năng.
Tham khảo:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
Cán bộ ngành tài nguyên và môi trường tỉnh thao tác quản lý hồ sơ trên môi trường mạng
Ứng dụng mạnh công nghệ thông tin
Hiện ngành TN&MT đang thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với 9 lĩnh vực, gồm: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo và viễn thám. Đây là những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Trong bối cảnh tiến trình chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, ngành TN&MT cũng được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Ghi nhận thực tế từ những thay đổi trước và sau khi ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý lĩnh vực TN&MT cho thấy hiệu suất công việc được cải thiện một cách đáng kể. Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) làm việc tại nhiều bộ phận thuộc ngành TN&MT đã được đào tạo, tập huấn sử dụng các ứng dụng chuyên ngành và tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức so với trước đây.
Ngoài việc giúp CBCCVCNLĐ phụ trách chuyên môn giảm thời gian thao tác công việc, những thuật toán thông minh từ các phần mềm, ứng dụng còn giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị luôn chủ động kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý công việc của các phòng ban trực thuộc. Thông qua hệ thống giám sát trên ứng dụng, lãnh đạo các đơn vị có thể phát hiện ra những sai sót về chuyên môn ngay từ sớm, từ đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ngành trên địa bàn. Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết dù bước đầu còn một số khó khăn, tồn tại nhưng xét về cơ bản tiến trình này đang được thực hiện đúng tiến độ, dự kiến sớm hoàn thành để kết nối đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước trên địa bàn. Để hoạt động thu thập, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ động liên hệ và nhờ sự trợ giúp của các sở ngành, doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác xây dựng hạ tầng mạng và hoạt động chuyển giao sử dụng, vận hành các ứng dụng CNTT chuyên ngành cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm hoạt động tốt.
Kiện toàn dữ liệu quốc gia
Báo cáo của Cục CNTT và Dữ liệu TN&MT cho biết định hướng đến 2025 của ngành TN&MT là “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”. Trong đó, một số nhiệm vụ chiến lược mà ngành chú trọng thực hiện, gồm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước; tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về TN&MT…
Với việc tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chiến lược, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà kỳ vọng đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu TN&MT. Bắt đầu cung cấp các sản phẩm tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin hiện đại, trực tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ công liên quan.
Chủ động thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, thời gian qua, ngành TN&MT Bình Dương cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý. Cùng với hạ tầng mạng được đầu tư hoàn thiện, ngành cũng chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng vận hành hạ tầng mạng và các nhóm ứng dụng chuyên ngành một cách thuần thục. Khảo sát ý kiến tại trụ sở tiếp dân cho thấy tỷ lệ hài lòng với các dịch vụ công lĩnh vực TN&MT ngày càng tăng cao. Có được những kết quả này công đầu phải kể đến sự ưu việt của CNTT trong hoạt động chuyên môn và những nỗ lực chung từ lãnh đạo đến các CBCCVCNLĐ của ngành.
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết để chung tay thực hiện Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo kế hoạch chung của bộ, Sở TN&MT Bình Dương cố gắng phấn đấu hoàn thiện được ít nhất 80% cơ sở dữ liệu về TN&MT trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT cũng kỳ vọng đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Bình Dương, cơ sở dữ liệu nền địa lý tỉnh Bình Dương; cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh Bình Dương. Sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu với các sở ngành và đấu nối trực tiếp vào hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia.