Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Trong xu hướng đẩy mạnh chuyển đổi số của GDNN nói riêng và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, việc đa dạng các hình thức truyền thông đến mọi đối tượng là yêu cầu cấp thiết đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tại hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư trên do Tổng cục GDNN phối hợp tổ chức sáng 10/9/2021, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN.
Trong đó, các chuyên gia đến từ các cơ sở GDNN chia sẻ nhiều kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo tại các trường. Các chuyên gia thống nhất rằng cần lồng ghép kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, khởi nghiệp vào chương trình đào tạo tạo điều kiện cho học sinh sinh viên trải nghiệm “thất bại” để thấy “mẹ” của thành công ngay trong thời gian học tập tại trường.
Xem thêm:>> chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Ngày nay, vai trò của kỹ năng như là công cụ cạnh tranh sống còn của lực lượng lao động Thế kỷ 21. Mỗi người học cần rèn luyện những kỹ năng thiết yếu để đạt được thành công trong học tập và nghề nghiệp, việc làm. Đặc biệt, để khởi nghiệp thành công thì không chỉ dựa trên những kiến thức được đào tạo trong nhà trường mà còn đòi hỏi những kỹ năng được rèn luyện trong thực tế làm việc, thái độ nghiêm túc trong việc chọn lối đi của riêng mình và kể cả cách đứng dậy sau thất bại, sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình.
Về phía nhà trường, các chuyên gia cũng khẳng định việc lồng ghép các kỹ năng, kiến thức nói trên vào chương trình đào tạo hiện tại đang gặp một số khó khăn, điển hình như: Khối lượng các môn học, môn đun hiện đang lớn nhưng có nhiều kỹ năng hỗ trợ khác mà nhà trường muốn giảng dạy cho học sinh sinh viên; đội ngũ nhà giáo chưa sẵn sàng, cách thức lồng ghép sao cho mềm dẻo tránh cứng nhắc…
Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, các cơ sở đào tạo nhất trí cần phải tăng tốc hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, việc làm. Bên cạnh các kênh trực tiếp như hội thảo, hội nghị, diễn đàn, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, câu lạc bộ hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, giao lưu với đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở GDNN có thể tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu về ngành nghề đào tạo của đơn vị mình, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cho các đối tượng tuyển sinh. Tổ chức các cuộc thi tư vấn viên giỏi để xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong các cơ sở GDNN. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhà giáo, người làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho người học trong các cơ sở GDNN.
Đặc biệt, áp dụng chuyển đổi số trong các hoạt động này là phương án hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay và cũng phù hợp với xu thế của thời đại. Trong đó, xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng đánh giá năng lực bản thân, xác định sở thích, đam mê, mục tiêu nghề nghiệp, từ đó đưa ra các gợi ý thông tin cho việc lựa chọn ngành nghề. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tổng hợp, phân tích các thông tin, xu hướng ngành, nghề trong tương lai để hỗ trợ việc hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề.
Trao đổi về sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Đỗ Năng Khánh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho HSSV học GDNN là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở GDNN cũng cần chủ động cung cấp các thông tin việc làm, tìm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở trường, sở thích, sức khỏe của bản thân, giới thiệu việc làm miễn phí phù hợp cho học sinh sinh viên của mình – điều mà nhiều trường đã làm được khi cam kết với người học về mức lương, cơ hội việc làm sau khi ra trường không dưới 6-8 triệu tạo động lực khích lệ người học.
Xem thêm:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
Riêng đối với vấn đề khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN, hiện cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cho người học GDNN” – Startup Kite được triển khai sâu rộng ở các cấp và thu hút đông đảo người học tham gia. Startup Kite 2021 có chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0” hướng đến các ý tưởng, dự án ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới. Vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay hứa hẹn là những dự án/ ý tưởng thực tế với tính ứng dụng cao đến từ các thí sinh khắp cả nước.
Nguồn: Tổng hợp