Ngày 22-7, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ triển khai thực hiện đã công bố gói hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp (DN).
Đây là hoạt động hỗ trợ chuyên sâu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 100 DN được hỗ trợ chuyển đổi số thành công, là các bài học điển hình để nhân rộng trong cộng đồng DN.
Ông Đỗ Hoàng Hải, chuyên gia về chuyển đổi số của chương trình cho biết, chuyển đổi số doanh nghiệp là một công việc không hề đơn giản và có thể dẫn tới rất nhiều thay đổi trong DN từ quản trị, điều hành đến sản xuất, kinh doanh, bán hàng.
Quá trình chuyển đổi số có thể diễn ra trong một vài năm, tùy thuộc qui mô và sự sẵn sàng của DN, chi phí xây dựng lộ trình chuyển đổi số có thể lên đến hàng trăm triệu đồng đối với một DN cỡ vừa. Do đó, DN cần có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và lộ trình cụ thể.
Trong đợt một, 15 DN được chọn sẽ được đoàn chuyên gia độc lập của chương trình hỗ trợ khảo sát, đánh giá, tư vấn xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho DN. Thời gian kéo dài từ tháng 8-12-2021.
Doanh nghiệp tham gia gói hỗ trợ được hỗ trợ kết nối tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. ẢNH: LỆ QUYÊN
Các DN tham gia gói hỗ trợ này cần đáp ứng một số tiêu chí như có số lao động từ 50-500 lao động và thời gian thành lập từ năm năm trở lên, có định hướng về chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động DN.
Doanh nghiệp hoạt động phải thuộc một trong số các lĩnh vực ưu tiên như cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất, dệt may, dược phẩm, bao bì… Đặc biệt ưu tiên các DN có tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến hoạt động xuất khẩu và ưu tiên cho các đơn vị có nữ là chủ sở hữu hoặc quản lý DN.
Xem thêm:>>Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế 2021
Ngoài ra, các DN được lựa chọn cũng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án USAID LinkSME hỗ trợ kết nối với DN đầu chuỗi trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là một hoạt động thiết thực trong bối cảnh dịch COVID-19 khi các DN cần tổ chức lại, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tìm kiếm các thị trường mới để thích ứng và phát triển.
Nguồn: Tổng hợp