Tận dụng tốt đà tăng trưởng của thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công.
Đông Nam Á đã trải qua cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ vào lợi thế giải quyết được những trở ngại của dịch Covid-29 như hạn chế đi lại, tiếp xúc… Phần lớn người tiêu dùng bắt đầu yêu thích mua sắm trực tuyến. Điều này kéo theo việc nhiều doanh nghiệp tìm đến việc kinh doanh trên TMĐT như một lối đi mới để tồn tại và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số tại Châu Á, Thái Bình Dương
Nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” của Facebook và Bain & Company công bố năm 2021, cho thấy, Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này có nhiều người tiêu dùng kỹ thuật số hơn, danh mục hàng hóa mua trực tuyến nhiều hơn, doanh số cao hơn. Trong 10 công dân Đông Nam Á từ 15 tuổi trở lên thì có 8 là người tiêu dùng kỹ thuật số; ước tính mỗi người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á chi khoảng 381 USD cho mua sắm online trong năm 2021.
Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những thị trường có sức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số (Internet economyGMV) ước đạt con số 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng 2,7 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Động lực lớn cho sự phát triển này đến từ việc Việt Nam có đến 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021, tức là cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng Việt Nam đều được tiếp cận kỹ thuật số.
Những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh tại Đông Nam Á có thể kể đến Thái Lan, Indonesia và Philippines. Tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã đưa ra mô hình kinh tế “Thái Lan 4.0” nhằm tái định vị và củng cố nền kinh tế của đất nước từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất sang một nền kinh tế dựa trên tri thức và dịch vụ. TMĐT là lĩnh vực hàng đầu nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại nước này. Điều đó đã khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới trong các lĩnh vực thương mại trực tuyến, fintech và trí tuệ nhân tạo (AI).
Còn tại Indonesia, các nền tảng TMĐT có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các MSME chuyển đổi số. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Indonesia Bima Laga khẳng định, TMĐT đã thúc đẩy các hoạt động trực tuyến và sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang hoạt động kỹ thuật số.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines cũng giới thiệu “Lộ trình Thương mại Điện tử 2022” của nước này với mục tiêu cuối cùng là tạo ra hệ sinh thái TMĐT thúc đẩy sự phát triển của ngành, tạo ra nhiều việc làm lâu dài và giúp nền kinh tế tăng trưởng toàn diện. Ngoài việc mở rộng tăng trưởng kinh tế của đất nước, chính phủ Philippines cam kết làm việc với các quốc gia thành viên ASEAN để hỗ trợ TMĐT và chương trình chuyển đổi kỹ thuật số lớn hơn của khu vực, cũng như việc thực hiện Hiệp định ASEAN về Thương mại Điện tử.