Tại Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đã đánh giá trong bối cảnh hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy hoạt động quản trị công ty, nâng cao tính công khai, minh bạch sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Hoài Nam và ông Bùi Đình Giáp tại Talkshow Phố Tài chính
Theo đánh giá của ông Bùi Đình Giáp, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS, mức độ chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp đang ở giai đoạn nhanh nhất từ trước đến nay, được thúc đẩy rất lớn bởi đại dịch Covid-19.
“Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp từ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng đến với chúng tôi để tìm các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số như tối ưu hoá vận hành doanh nghiệp, tự động hoá, eKYC hay giải pháp ĐHĐCĐ trực tuyến. Hiện nay có hơn 40% doanh nghiệp trong VN30 sử dụng các giải pháp chuyển đổi số và nếu tính trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đã phục vụ cho hơn một triệu cổ đông và số lượng liên tục tăng gấp đôi hàng năm”, ông Bùi Đình Giáp cho biết.
Theo ông, những tín hiệu trên cho thấy tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay cũng như mức độ sẵn sàng đã gia tăng mạnh mẽ.
Cũng tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cho rằng chuyển đổi số là một yêu cầu nhất thiết và quan trọng đối với các hoạt động của doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo đó, công tác chuyển đổi số sẽ giúp cho hoạt động của doanh nghiệp tăng năng suất, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
“Đối với HDBank, công tác chuyển đổi số hỗ trợ cho việc tương tác với cổ đông và cơ quan chức năng, gần gũi hơn với khách hàng, giúp khách hàng nắm bắt được nhiều thông tin về ngân hàng hơn, qua đó hiểu được hoạt động của ngân hàng và có những định hướng đầu tư đúng đắn hơn”, ông Trần Hoài Nam cho biết.
Đề xuất về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Trần Hoài Nam cho rằng giải pháp thứ nhất là doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, mục tiêu cụ thể trong công tác chuyển đổi số, cần có định hướng liên quan đến các hoạt động tiếp theo để giúp cho hoạt động chuyển đổi số tốt hơn.
Thứ hai là việc đầu tư cơ sở, phương tiện, công nghệ hiện đại mới cho công tác chuyển đổi số. Việc dùng các công nghệ cũ, theo ông Nam, chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả chuyển đổi số.
Thứ ba, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực. Đại diện HDBank đánh giá đây là yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, ông Nam cho rằng cần thay đổi tư duy của từng thành viên trong doanh nghiệp, hay còn gọi là văn hoá doanh nghiệp.
Theo ông Trần Hoài Nam, khi triển khai công tác chuyển đổi số, doanh nghiệp phải triển khai các quy trình tự động hoá để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh doanh; phải lưu ý tận dụng trí tuệ nhân tạo cũng như các dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích, tạo ra hiệu quả, hiệu ứng tốt nhất.
Bên cạnh các đề xuất của ông Trần Hoài Nam, ông Bùi Đình Giáp cũng có một số giải pháp khác như cần quy định cụ thể hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước.
“Các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đều có những quy định cụ thể về việc doanh nghiệp niêm yết tổ chức ĐHĐCĐ phải có thêm kênh trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư không có điều kiện tham gia trực tiếp”, ông Giáp cho hay.
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp giải pháp cũng cần phải đưa ra các giải pháp có khả năng triển khai một cách nhanh chóng hơn với chi phí rẻ hơn và được chuẩn hoá, có thể triển khai rộng cho hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp tại cùng một thời điểm.