Chuyển đổi số y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ nhanh, kịp thời, nhân viên y tế rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Thông tin được PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết tại Hội nghị khoa học Cập nhật chuyển đổi số và công nghệ trong chẩn đoán hình ảnh 2024, do Hội Điện quang và Y học hạt nhân cùng Medlatec tổ chức, ngày 6/1. Đây là dịp giúp các chuyên gia, bác sĩ cập nhật các kiến thức, công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số y tế, nhiều công nghệ được triển khai hiệu quả tại các cơ sở y tế, như điện toán đám mây (hạ tầng phát triển), internet vạn vật (kết nối và thu nhận, trao đổi dữ liệu y học), block chain (đồng thuận và bất biến dữ liệu), trí tuệ nhân tạo (chức năng thông minh) và dữ liệu lớn (trung tâm của các hoạt động y tế).
“AI không thể thay thế các thầy thuốc, nhưng các thầy thuốc sử dụng AI sẽ thay thế các thầy thuốc không sử dụng AI”, PSG Nhung nói, thêm rằng công nghệ số trong y tế giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, cũng như giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Một số thành quả công nghệ số hiện mang lại lợi ích cho người dân khi đi khám chữa bệnh như bệnh án điện tử, liên thông khám chữa bệnh, khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử. Đến nay, có khoảng 60 bệnh viện (gồm cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử.
Đặc biệt hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Trên thực tế, hầu hết bệnh viện thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Tuy nhiên các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, dễ nhầm lẫn, thất lạc. Sử dụng công nghệ số để xử lý phim chụp nên kết quả có rất nhanh, bác sĩ có thể xem bất kỳ chỗ nào, bất kỳ đâu.
Tham khảo:>> Chuyển đổi số đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội
Bên cạnh các công nghệ số ứng dụng trong y tế nói chung, còn có sự bứt phá chuyển đối số trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Tại hội nghị, các chuyên gia của bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Phổi Trung ương…, cùng các cơ sở y tế tuyến địa phương, bệnh viện ngoài công lập như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Bệnh viện Đại học Y Phạm Ngọc Thạch… đã cập nhật các công nghệ trong chẩn đoán hình ảnh gồm MRI, cắt lớp vi tính CT, siêu âm…
Ông Trần Văn Tuyên, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, cho biết Bộ Y tế đã phê duyệt đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, 6 định hướng chuyển đổi số toàn diện, gồm: Xây dựng và ban hành kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đẩy mạnh hồ sơ bệnh án/hồ sơ sức khỏe/sổ sức khỏe điện tử. Tăng cường triển khai các mô hình bác sĩ gia đình, home-care. Đẩy mạnh kho dữ liệu hình ảnh y tế tại trung ương và địa phương. Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (Cloud, VR, AR…) trong chẩn đoán hình ảnh. Củng cố chính sách về lưu trữ và an toàn, bảo mật dữ liệu y tế.
Nguồn: Tổng hợp