Chuyển đổi số và AI không chỉ dành cho người trẻ

Trong tiến trình chuyển đổi số, tiếp cận với trí tuệ nhân tạo (AI), giới trẻ là những người xung kích, đi đầu. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chỉ người trẻ mới có thể tham gia vào cuộc chạy đua công nghệ này…

Tại căn nhà số 91, ngõ 68 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) có một lớp học đặc biệt mang tên “Chuyển đổi số và AI”. Sở dĩ lớp học này đặc biệt là bởi học viên trong lớp chủ yếu trong độ tuổi 65-75, người lớn tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi. Không bảng đen, không phấn trắng, dụng cụ dạy học của thầy giáo là máy chiếu và bộ mic di động, còn hành trang của học viên không phải là bút, vở mà là những chiếc điện thoại thông minh.

Lớp học “Chuyển đổi số và AI” dành cho người cao tuổi của thầy Đinh Ngọc Sơn.

Người sáng lập và giảng dạy cho lớp học là thầy Đinh Ngọc Sơn, nguyên Phó trưởng khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chia sẻ về lý do mở lớp học đặc biệt này, thầy Sơn cho biết: “Khi nghiên cứu các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tôi nhận thấy đối tượng trong xã hội dễ bị tụt hậu nhất chính là người già. Từ đó, tôi lên ý tưởng mở lớp học miễn phí, không ngờ lại có nhiều bác cao tuổi hưởng ứng và tham gia nhiệt tình”. Mỗi lớp có khoảng 15-20 người với 3 buổi học. Thời gian tổ chức lớp học vào sáng hoặc tối, tùy vào quỹ thời gian của các học viên để sắp xếp sao cho hợp lý. Không có một quy tắc nào được đặt ra, nhưng cứ đến giờ là các học viên có mặt đầy đủ để nghe giảng.

“Các bạn trẻ thường nghĩ người già khi sử dụng điện thoại di động chỉ cần biết nghe và gọi là đủ, không cần đến các ứng dụng thông minh. Chính suy nghĩ đó đã vô tình khiến chúng ta quên mất rằng người già cũng cần được phục vụ đời sống tinh thần và tiếp cận với công nghệ. Tôi muốn truyền cảm hứng cho người già sử dụng công nghệ, hướng dẫn họ làm quen với các ứng dụng AI để phục vụ đời sống hằng ngày, nhất là mục đích giải trí, bởi người già rất dễ cô đơn”, thầy Sơn bày tỏ.

Vốn dĩ những kiến thức này con cháu ở nhà cũng có thể hướng dẫn, thế nhưng khi học viên đều là những người cùng thế hệ thì mọi người thấy dễ hòa nhập hơn nhiều. Bà Phạm Thị Huệ, 68 tuổi, ở số nhà 54, ngõ 43 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu là Hội trưởng Hội Người cao tuổi của tổ dân phố số 9, đã tham gia lớp thứ 2 của thầy Sơn. “Tôi tham gia lớp đầu tiên cảm thấy rất phấn khởi nên đã tuyên truyền cho mọi người trong hội cùng tham gia. Hiện tại, tôi đã có thể tự tra tuyến xe buýt, có cả kênh TikTok riêng để giải trí. Đặc biệt, tôi thích nhất chat GPT vì khi thắc mắc hay tìm hiểu vấn đề gì đều rất dễ dàng”, bà Huệ chia sẻ. Ông Nguyễn Hải, 85 tuổi, ở số 17, ngõ 33 Hoàng Công Chất, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, một trong những học viên lớn tuổi nhất của lớp, chia sẻ: “Tôi già rồi nên thao tác chậm chạp, trí nhớ cũng không tốt, nhưng đến đây được thầy Sơn hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên cũng dễ hiểu, dễ nhớ. Giờ tôi đã biết cách làm thơ bằng chat GPT…”.

Đến nay, thầy Sơn đã tổ chức được 4 lớp học về chuyển đổi số và AI. Có nhiều ông bà ở lớp trước đã quen các thao tác trên ứng dụng cũng dành thời gian đến hướng dẫn các ông bà ở lớp sau. Các học viên trong lớp gọi vui đây chính là tinh thần của “bình dân học vụ số”. Với ý nghĩa thiết thực và sự hưởng ứng của người dân đối với lớp học, đồng chí Vũ Thị Mai Hương, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Dịch Vọng Hậu cho biết: “Thời gian tới, lãnh đạo phường sẽ báo cáo cấp trên để nghiên cứu nhân rộng mô hình lớp học này ra toàn phường”.

Bên cạnh những người cao tuổi, trong cuộc đua chuyển đổi số và tiếp cận AI này, nhóm người khuyết tật cũng được xã hội quan tâm, giúp đỡ để có thể bắt nhịp và tự tìm cho mình cơ hội học tập, việc làm mới. Ví dụ như sự ra đời của giáo trình AI dành cho trẻ khiếm thính, kính thông minh Smart Eye dành cho người khiếm thị, tích hợp AI nhận diện vật thể, chữ viết và mô tả môi trường xung quanh qua tai nghe… Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) cho biết: “Chuyển đổi số và các ứng dụng AI không chỉ tăng cường sự độc lập, chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật mà còn giúp họ tự tin hơn, gỡ bỏ những mặc cảm, không còn cảm thấy bản thân là gánh nặng cho gia đình và xã hội nhiều như trước”.

Bài Viết Liên Quan

Next Post

Bài Viết Mới Nhất

094.836.9191