Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể đưa ra mô hình kinh doanh mới…
Chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hạnh động mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Viện Tin học Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/12, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, ….”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Đồng thời ông Phòng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiêp vừa và nhỏ đã quan tâm đến chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức các lớp đào tạo, chương trình kết nối… giúp các doanh nghiệp hình dung và tiếp cận với chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Do đó, ông Đường cho biết, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều.
Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ TT ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) dẫn khảo sát được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 cho thấy, có đến 64% các CEO khi được hỏi khẳng định chuyển đổi số góp phần nâng cao khả năng vận hành giúp doanh nghiệp làm việc từ xa cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu lớn đưa ra quyết định kinh doanh. Hai lựa chọn khác được 58% CEO quan tâm là nâng cao trải nghiệm và bảo mật thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng, thách thức trong chuyển đổi số với doanh nghiệp liên quan một số vấn đề như doanh nghiệp đưa ra bài toán của mình trước khi quyết định chuyển đổi số; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm, dịch vụ phù hợp với loại hình hoạt động; hoạt động bảo mật trên môi trường số, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu trong doanh nghiệp…
Từ những thách thức trên, đồng tình với quan điểm của các chuyên gia đã trao đổi, bà Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh, việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn. Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong ngân hàng
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Thu Giang thông tin, VINASA thành lập 2 Hội đồng chuyên gia tư vấn gồm các chuyên gia từ doanh nghiệp, chuyên gia độc lập, chuyên gia từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời xây dựng 2 khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Doanh nghiệp được đánh giá sơ bộ tình trạng hoạt động trước khi chuyển đổi số; các vấn đề doanh nghiệp quan tâm và cần giải quyết, trên cơ sở đó có tư vấn giải pháp phù hợp…