Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức tháng 11, đại diện các bộ, ngành, tổ chức trong nước, quốc tế, chuyên gia đã làm rõ nhiều vấn đề, mở ra tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển sản xuất thông minh, các mô hình kinh doanh mới, xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số, phát triển nguồn nhân lực số, chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn, phát triển ngân hàng thông minh…
Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá, quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình này có nhiều hạn chế. Doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Theo ông An, yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội những năm qua gây cản trở sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, kết thúc chuỗi 10 hội thảo chuyên đề, ngày 6/12 dự kiến sẽ diễn ra phiên toàn thể cao cấp, Thủ tướng dự và chủ trì. Những ý kiến, đóng góp tại diễn đàn sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổng hợp để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions nói: “Về công nghệ, Viettel hay các doanh nghiệp như FPT, VNPT… chúng tôi tự tin không thua kém thế giới. Nhưng để công nghệ đấy có thể hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc xây dựng các nền tảng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì bài toán đưa ra lại liên quan đến vấn đề chính sách”.
Tham khảo:>> chuyển đổi số trong nông nghiệp
Ông Phan Hồng Tâm, Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud, nhận định, để hiện thực hoá mục tiêu của Chính phủ về kinh tế số (đóng góp 20% GDP cả nước năm 2025 và chiếm 30% GDP năm 2030) chỉ có con đường chuyển đổi số. Chuyển đổi số của doanh nghiệp, chuyển đổi số trong cả xã hội thì mới đạt được mục tiêu này. Ông Tâm nói: “Việt Nam đến năm 2025 có thể sẽ có 1,3 triệu doanh nghiệp. Để giải quyết câu chuyện phát triển nền kinh tế số thì gần như tất cả các doanh nghiệp này phải tập trung chuyển đổi số. Vì vậy, bài toán đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng chuyển đổi số cho doanh nghiệp”.
Lao động làm gì để không bị đào thải?
Quá trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cao hơn về lực lượng lao động, nhân lực số, phát triển các kỹ năng phù hợp. Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, nền kinh tế nước ta vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao…
Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh, tỉ lệ lao động có kỹ năng cao của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình ASEAN. Một số báo cáo của ILO cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của tự động hóa. Theo bà Hà, thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách trong chuyển đổi, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bởi phương thức làm việc và kinh doanh đang thay đổi. Bà Hà nói rằng, mặc dù sự phát triển của công nghệ số khiến 6 triệu việc làm mất đi, nhưng thay vào đó có thêm 24 triệu việc làm mới, trong đó khoảng 18 triệu việc làm trong nền kinh tế xanh. Nếu có sự quan tâm đúng mức thì có thể tạo ra 269 triệu việc làm mới vào năm 2030.
Tham khảo:>> Review Top 10 công ty tư vấn chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có nghiên cứu, dự báo về chuyển đổi số, kinh tế số, từ đó cho thấy chúng ta cần bao nhiêu nhân lực, kỹ năng đến mức nào để có sự đầu tư phù hợp. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, cần có cả đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn lực khác trong xã hội.