Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.
Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh
Tại tọa đàm trực tuyến: “Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt” sáng 27/12, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 51,5% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 76,1% và 88,3%, qua kênh QR code tăng tương ứng 64,1% và 127,9% .
Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.
Tham khảo:>> https://chuyendoisodoanhnghiep.info/thuc-trang-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-o-viet-nam/
Ảnh minh hoạ |
NHNN đã cho phép triển khai thí điểm 3 mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn (ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng). NHNN cũng đã thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này.
Người dân giờ không chỉ đơn thuần dùng ứng dụng Mobile Banking hay ví điện tử để chuyển tiền, vấn tin mà đã sử dụng cho hầu hết nhu cầu mua sắm, cả trực tuyến lẫn trực tiếp hàng ngày. Theo đó, họ sử dụng cho mọi dịch vụ như thanh toán hóa đơn, học phí, viện phí, thương mại điện tử, các dịch vụ trực tuyến (đi chợ, siêu thị, gọi xe giao hàng, đặt mua vé máy bay, tour du lịch khách sạn, vé tàu xe)…
Trong khi đó, thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đạt kết quả đáng ghi nhận. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN như: Giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 70 – 100% phí chuyển mạch, bù trừ điện tử; miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công. Tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng, khoảng 80% giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.
Hiện, 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng hoặc dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng có tỷ trọng giao dịch trên kênh số đạt trên 90%. Đặc biệt vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm.
Các tổ chức tín dụng đã chủ động cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số).
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho các trung gian thanh toán
Thanh toán không dùng tiền mặt có tầm quan trọng, đem lại nhiều lợi ích như an toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, bảo đảm quản lý Nhà nước về vĩ mô, tiền tệ, thanh toán. Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 – 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 – 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Theo các ý kiến tham gia tại tọa đàm, để tiến tới một quốc gia không dùng tiền mặt, 3 trụ cột cần được đặc biệt quan tâm, đó là hành lang pháp lý, hạ tầng công nghệ và truyền thông. NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới. Trong đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ 4. Cùng với đó là 2 giải pháp khác, bao gồm tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; cũng như phổ biến về thanh toán không tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
Liên quan đến đề xuất của các trung gian thanh toán, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trên cơ sở tạo thuận lợi cho các trung gian thanh toán, đồng thời đảm bảo được rủi ro, an toàn hệ thống.
Báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, hiện nay, có khoảng trên 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng.
Trước đó, nhiều lãnh đạo các trung gian thanh toán kiến nghị NHNN sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến trung gian thanh toán như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox); Khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending); Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán,;Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Luật Giao dịch điện tử…
Về lộ trình chuyển đổi thẻ chip, đến thời điểm cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng sẽ nỗ lực chuyển đổi toàn bộ sang thẻ chip. “Việc này để đáp ứng 2 việc là phòng ngừa rủi ro do sử dụng công nghệ thẻ cũ (thẻ từ), thứ hai là phát triển nền tảng mới thẻ chip đảm bảo an ninh, an toàn đi kèm với đó là rất nhiều tiện ích gia tăng”, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng chia sẻ.
Tham khảo:>> dịch vụ tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) Nguyễn Quang Minh cho biết thêm, về mặt số liệu, chuyển đổi thẻ tương đối tích cực, năm 2020 lượng thẻ chuyển đổi hơn 10% nhưng hết tháng 11 năm nay lượng chuyển đổi gần 40%. “Thẻ chưa chuyển đổi thì còn nhiều nhưng lượng giao dịch bằng thẻ chip đã lên đến 50%. Rõ ràng sử dụng thẻ chip tích cực và tần suất cao hơn so với mức trung bình hành vi tiêu dùng”, đại diện Napas nói.