Chiều nay (4-1), Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và và đô thị giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045”.
Xem chi tiết:>> chuyển đổi số trong nông nghiệp
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội góp ý cần phát huy hơn nữa các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử trở thành điểm du lịch; các món ăn, lâm thổ sản địa phương trở thành các mặt hàng xuất khẩu, lưu niệm; các công cụ lao động, sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng, lễ hội, chợ phiên,… thành thương hiệu du lịch địa phương.
Làm rõ hơn, bà Châm cho biết thời gian vừa qua có nơi, có lúc đã “đồng dạng hóa văn hóa trong khi ban hành chính sách”.
“Cả nước có hơn 8.000 lễ hội mà giống nhau cả thì cần gì lắm lễ hội thế” – bà Châm nêu quan điểm và kiến nghị giảm thiểu các chương trình, chính sách làm suy giảm sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là đa dạng sinh kế; cần đa dạng hóa mô hình thay vì “một mô hình văn hóa cho tất cả” trong các chương trình phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa ở nông thôn.
PGS.TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần đẩy mạnh bảo tổn và phát triển du lịch, văn hóa… để phát triển kinh tế, không nhất thiết phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghiệp theo một mô hình duy nhất.
“Quy hoạch phát triển vùng, các địa phương phải rất rõ nét, phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp phải rất rạch ròi từng địa phương, hài hòa với văn hóa, cư dân, thiên nhiên. Để nông dân tự sống trên mảnh đất, quê hương mình thay vì chỉ luôn là đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp, hỗ trợ từ năm này qua năm khác” – bà Nga trăn trở.
Cho rằng nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ nền kinh tế song theo TS. Hồ Sỹ Ngọc, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, rất ít lãnh đạo địa phương mặn mà với phát triển nông nghiệp.
Chung quan điểm này, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn chứng trong đợt dịch Covid-19, nếu không có nông nghiệp, khu vực nông thôn thì khó khăn còn lớn hơn rất nhiều.
Dù vậy, ông Lợi lưu ý, thời gian tới, cần tìm động lực mới ở vùng nông nghiệp, nông thôn. Ông Lợi đề xuất cần bổ sung thêm 1 nhà vào danh sách “3 nhà” (nhà nông – nhà nước và doanh nghiệp) đó là nhà tư vấn gắn với áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cần quan tâm nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua đào tạo nghề chủ yếu dùng vốn ngân sách, tài trợ từ các tổ chức chứ chưa gắn nhiều với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.
Kết luận hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết nông nghiệp, nông dân và nông thôn là lĩnh vực có tính chiến lược quốc gia và đặc biệt là phát triển nông nghiệp là phát triển lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, phát huy được vị thế.
Theo ông Hưng, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh con đường phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp chăm lo đời sống người dân. Nhưng nói đến phát triển nông nghiệp là phải nói đến phát triển bền vững, vì thế nông nghiệp phải gắn liền với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, coi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là một trong những động lực tạo đột phát trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
“Nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số thành công thì sẽ biến người dân thành một doanh nhân, một hợp tác xã thành một doanh nghiệp và ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng thành công” – ông Hưng nêu quan điểm.
Phó Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ môi trường, theo đó giảm phát thải hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng là mục tiêu, con đường của nông nghiệp, nông thôn hướng đến.
Về liên kết chuỗi giá trị, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng phải làm sao nâng được giá trị được hưởng của người nông dân khi hiện nay chỉ chiếm 30% giá trị mâm cơm.
“Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu thô và đầu tư sản xuất nông nghiệp lớn chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Người nông dân thụ hưởng từ nông nghiệp còn rất thiệt thòi” – ông Hưng nhìn nhận.
Vẫn theo ông Hưng, việc sửa đổi chính sách cũng nhằm thiết kế chính sách đồng bộ, tạo ra đột phá trong lĩnh vực này.
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp
“Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng 1 lớp nông dân mới, họ chính là 1 kỹ thuật viên, 1 công nhân… trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực phát triển thì phải tạo điều kiện để người nông dân phải là chủ thể và nghị quyết mới cần phải làm rõ” – ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm.