Từ năm 2020, khi đại dịch bùng phát, chuyển đổi số trở thành bước đi bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Đại dịch có thể coi là “cú hích” để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, trong đó có chuyển đổi số.
Người lãnh đạo cần đi đầu trong chuyển đổi số
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành – Tài chính của Vinamilk chia sẻ tại Toạ đàm “Phát triển bền vững doanh nghiệp trên nền tảng số” các doanh nghiệp phải chuẩn bị và chuyển đổi số từ lâu mà không phải chờ đến đại dịch mới bắt đầu hành động. Ông Liêm cho biết nhờ sự chuẩn bị từ 20 năm trước, doanh nghiệp đã xây dựng nền tảng số từ các hoạt động cung ứng, sản xuất cho đến các hoạt động tài chính. Vì vậy, trong các đợt dịch vừa qua, các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra gần như hoàn toàn bình thường. Ông đưa ra ví dụ về việc ký kết các hợp đồng, thay vì phải gặp mặt và ký kết trên giấy, công ty đã vận hành hệ thống chữ ký số.
Nói về những yếu tố quyết định đến sự thành công của chuyển đổi số của doanh nghiệp, ông chỉ ra 2 yếu tố: nguồn nhân lực và người lãnh đạo.
“Để chuyển đổi số, người đứng đầu phải có nhận thức, tâm huyết, quyết tâm áp dụng công nghệ số. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp áp dụng các phát minh, kiến thức mà thế giới đã làm.” – Ông khẳng định.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những sai lầm của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số là lãnh đạo doanh nghiệp không vào cuộc.
“Nhiều người tưởng chuyển đổi số chỉ là công nghệ được ứng dụng trong một mắt xích. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình thay đổi toàn bộ từ chiến lược cho đến tái cấu trú, văn hoá doanh nghiệp,… Lãnh đạo phải vào cuộc, thay đổi cách nhìn và từ đó thay đổi công nghệ thay vì đặt công nghệ lên trước.” – Ông phân tích.
Tham khảo:>> chuyển đổi số bất động sản
Doanh nghiệp vừa và nhỏ – động lực thúc đẩy chuyển đổi số
Đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nghiệp start-up, ông Đỗ Hoài Nam – Đồng sáng lập và Chủ tịch UPGen Việt Nam chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số và phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân. Ông cho biết, đối với cộng đồng khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ không có khái niệm chuyển đổi số mà họ sinh ra từ các nền tảng số. Các doanh nghiệp start-up Việt Nam đã đi trước rất nhiều so với các doanh nghiệp và xã hội nói chung.
Một ví dụ có thể thấy hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp start-up, các hộ kinh doanh cá thể, bán hàng online cũng tận dụng rất là tốt từ việc kinh doanh, bán hàng, livestream, quảng cáo trên facebook. Theo ông Nam, không phải Tiki hay Shopee, hiện tại nền tảng bán hàng online lớn nhất của Việt Nam là facebook. Đây chính là cộng đồng của các hộ kinh doanh cá thể, cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên quy mô toàn quốc, khi nói đến chuyển đổi số, người ta thường nhắc đến vấn đề “tập trung hoá”, tức là tạo ra một nền tảng tập hợp các doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ. Ông Nam cho rằng, đây mới chỉ là chuyển đổi số theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, các start-up đang bước đến giai đoạn 2.0 của chuyển đổi số, giai đoạn “phi tập trung”. Họ không chỉ tận dụng các nền tảng số mà còn sáng tạo, thành lập các nền tảng mới. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm điều đó đang rất tốt, đặc biệt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.
Các doanh nghiệp chia sẻ tại toạ đàm |
Đối với các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, Internet không còn là một ngành mà đã trở thành một dịch vụ thiếu yếu. “Cần nhìn Internet như là điện, đi song song với tất cả các ngành, tạo cho doanh nghiệp 1 chiều thứ 3, tạo ra chân trời mới và mô hình kinh doanh mới. Cách mạng 4.0 là để doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả doanh nghiệp lớn cùng kinh doanh.” – Ông Nham nói đồng thời, đề nghị các cơ quan ban ngành nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp start-up bởi đây chính là nền tảng để chuyển đổi số.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.