“Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển động mạnh mẽ bằng việc cụ thể hóa các Đề án, kế hoạch chuyển đổi số từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương” là nhận định tại cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra sáng nay (20/2).
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và hoàn thành Cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng và chuẩn bị lễ triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản vào cuối năm nay. Theo dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng…
Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, chuyển đổi số nông nghiệp phải phục vụ mục tiêu tạo ra giá trị cho các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp.
Tham khảo:>> chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng
“Cách tiếp cận trong chuyển đổi số nông nghiệp phải gắn với chuỗi giá trị ngành hàng. Đề xuất xây dựng 1 kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, có đến đâu làm đến đó không thể làm hết cùng 1 lúc. Chuỗi giá trị của 2 ngành hàng là chăn nuôi và nông nghiệp là hai ngành hàng lớn chúng ta làm thử nghiệm 1 lĩnh vực để đánh giá. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung như: phục vụ cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng, chống thiên tai như khí hậu, thời tiết hay hệ thống công trình thủy lợi hay nguồn nước… những số liệu này tất cả các ngành đều phải dùng, vì vậy, kiến trúc cơ sở dữ liệu xây dựng sau này phải như thế nào để đồng bộ các ngành với nhau”, ông Nguyễn Tùng Phong nêu rõ.
Khẳng định chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của chương trình chuyển đổi số quốc gia và dư địa phát triển của ngành còn rất lớn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: “Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện những nhiệm vụ quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Đầu tiên xuất phát từ yêu cầu nghiệp vụ và kết thúc bằng yêu cầu nghiệp vụ nên lãnh đạo các đơn vị của Bộ phải là người trực tiếp thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiện toàn Trung tâm chuyển đổi số nông nghiệp để có đơn vị chuyên trách đủ về năng lực. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, dữ liệu trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất lớn, muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu thực để số hóa đòi hỏi các thành viên Ban chỉ đạo và cán bộ chuyên môn không chỉ nâng cao nhận thức mà còn phải trang bị đầy đủ kiến thức. Cán bộ làm công nghệ không chỉ hiểu về công nghệ mà còn phải nắm bắt được thông tin; cán bộ làm nông nghiệp cũng phải nắm được quy hoạch và ngược lại.
“Tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng rà soát những gì có thể làm trước, cái gì làm sau để thực hiện hiệu quả. Chúng ta không giải quyết tất cả các vấn đề mà còn phải xã hội hóa, như thế sẽ tiết kiệm được nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số và áp dụng ngay được vào cuộc sống hàng ngày. Chúng ta sử dụng dữ liệu để chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước nhanh chóng và kịp thời”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
VOV