Với tổng số vốn đầu tư 30 – 40% toàn xã hội ngành xây dựng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm tạo cú hích về tăng trưởng nhanh, bền vững cho Ngành và có đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế Quốc gia trong giai đoạn cả nước đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng). |
Tháng 9/2019, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW “Về một số chủ trương chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 17/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 50/NQ-CP về việc “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Xem thêm:>> chuyển đổi số trong ngành bất động sản
Trong Nghị quyết 50/NQ-CP, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hệ thống hạ tầng dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của đô thị thông minh. Xác định rõ lộ trình thí điểm và lựa chọn các đô thị thí điểm đô thị thông minh; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thí điểm phát triển đô thị thông minh bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể hơn nữa, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng “Đề án thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thí điểm phát triển đô thị thông minh đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế. Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị thông minh” để trình Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký và ban hành Quyết định số 1004/QĐ-BXD “Về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm chỉ đạo nhất quán là: (1) Xác định phục vụ người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; (2) Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công ngành Xây dựng; (3) Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số; (4) Chuyển đổi số phải được thực hiện từng bước, có lộ trình, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng; (5) Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; Thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã ưu tiên 6 nhóm lĩnh vực để tập trung triển khai là: i) Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), số hóa các văn bản, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá… phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý về xây dựng ở địa phương; ii) Xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; iii) Các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định, thi công xây lắp, nghiệm thu công trình; iv) Sản xuất vật liệu xây dựng; v) Phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; vi) Quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
Với 6 nhóm nhiệm vụ, và trên 20 nhiệm vụ cụ thể triển khai từ năm 2020 đến năm 2025, ngành Xây dựng sẽ có được bộ CSDL số đồng bộ, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước được Chính phủ giao. Kết quả của nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành sẽ mang đến cho người dân và xã hội những tiện ích rất cụ thể, như: tra cứu thông tin về quy hoạch, về các dự án phát triển đô thị, các dự án bất động sản, số lượng/công suất hoạt động của các nhà máy cấp và xử lý nước thải và nhiều thông tin khác trên cổng thông tin của Bộ, thông tin được tra cứu mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị di động có kết nối internet, các thông tin được tra cứu về quy hoạch, kiến trúc sẽ được cung cấp dưới dạng mô hình 3D và kết hợp một số tiện ích như khác (chuyển động đa chiều); giải quyết thủ tục hành chính với cấp độ 4 khoảng 80%.
Trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, tiến tới bãi bỏ các quy định gửi hồ sơ thiết kế in giấy đến cơ quan Nhà nước để thẩm định (chỉ cần gửi file mềm có dấu và chữ ký điện tử), áp dụng rộng rãi mô hình hóa thông tin công trình (BIM). Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chuyển đổi số sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước và chính doanh nghiệp biết được nhu cầu tiêu thụ và biến động giá theo quý, thậm trí là theo tuần đối với từng loại vật liệu xây dựng, trên cơ sở đó các nhà máy có kế hoạch sản xuất để tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng cũng có cơ sở để triển khai kế hoạch kinh doanh.
Trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chuyển đổi số đã giúp cho duy trì các hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ, giúp cho các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng được duy trì được một phần chuỗi cung ứng. Bộ Xây dựng sẽ đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Với nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 100 tỷ USD năm 2020, trong đó đầu tư về xây dựng (bao gồm xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, xây dựng giao thông) chiếm khoảng 30 – 40% đầu tư toàn xã hội (chưa tính đến giá trị đất hình thành lên giá bất động sản xây dựng), đây là nguồn lực to lớn đối với phát triển kinh tế quốc gia. Nếu có giải pháp đồng bộ về mặt cơ chế, chính sách, nhất là nhận thức của các cấp chính quyền về vấn đề chuyển đổi số thì với số vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành Xây dựng khoảng 40 tỷ USD đến 50 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi số của Ngành sẽ tạo ra giá trị thặng dư vô cùng to lớn cho xã hội. Mục tiêu kinh tế số ngành Xây dựng năm 2025 chiếm 20% tổng số đóng góp của toàn Ngành vào tăng trường GDP chung cả nước là nhiệm vụ khả thi.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/