Chuyển đổi số trong ngành du lịch được hiểu là một sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu, qua đó tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng.
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. Đây cũng là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài và quá trình này gần như sẽ tác động lên toàn bộ doanh nghiệp từ tổ chức, con người cho tới mô hình kinh doanh.
Các công nghệ mới được ra đời và liên tục phát triển. (Ảnh: tcdulichtphcm.vn) |
Ngành du lịch Việt Nam là ngành kinh tế năng động và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Việc liên kết chặt chẽ ngành du lịch Việt với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối số và phát triển du lịch thông minh. Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Trong đó, Thẻ Du lịch thông minh, ứng dụng Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, ứng dụng Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch, Trang vàng Du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam… được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đặc biệt, app “Du lịch Việt Nam an toàn” – một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn… Cùng với đó, nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng, tiêu biểu như hệ thống quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh, máy bán nước tự động…
Thích ứng với tình hình trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ – du lịch cũng đã có những thay đổi. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ để vừa phòng dịch, vừa mang lại sự tiện lợi cho khách đang được các doanh nghiệp du lịch triển khai mạnh mẽ. Trong số các giải pháp công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, có thể kể đến một số xu hướng như: ứng dụng mobile, trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, điểm đánh giá của khách hàng (Rating và Review), thực tế ảo (Virtual Reality)…
Trong cả nước, các địa phương cũng đã đồng loạt triển khai và áp dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này nhằm thích ứng với xu thế và nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể như, tại TP. Hồ Chí Minh đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin như: Vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; triển khai Ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần Thành phố từ trên cao; vận hành Cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố; Cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Tại Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động tham quan, du lịch của Thành phố. Đồng thời, liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi.
App về du lịch – một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng. (Ảnh: HN) |
Tại một trung tâm du lịch lớn khác của miền Bắc là Quảng Ninh, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch do cơ quan quản lý, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch “nở rộ” trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok… Các nền tảng thông minh cho phép khách du lịch khám phá vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử… và đặt các dịch vụ qua mạng hết sức thuận lợi.
Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngành du lịch với định hướng, chính sách từ Nhà nước, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành kinh tế này. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách mà còn tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh.
Tuy nhiên, theo đánh giá quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch hiện còn chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, cũng tương tự như những lĩnh vực khác, việc chuyển đổi số của ngành du lịch cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khác như: Thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng… Đối với doanh nghiệp đang hoạt động khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành du lịch, một số mục tiêu được ngành du lịch xác định trong chuyển đổi số bao gồm: Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan quản lý hoạch định chính sách; Gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.
Tham khảo:>> Giải pháp chuyển đổi số ngành ngân hàng HIỆU QUẢ 2023
Ngoài ra, để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số./.