Những năm gần đây, cụm từ ‘chuyển đổi số‘ không còn quá xa lạ với nông dân Bình Định, nhiều vườn cây ăn quả và trang trại đã hào hứng áp dụng.
1. Chăm sóc cây trồng bằng điện thoại
Với nhà màng rộng 2.000m2 trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua và nhiều loại rau gia vị, anh Trần Bảo Diệp (SN 1988) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định) chẳng phải “động chân động tay” là mấy. Bởi, hầu hết các công đoạn chăm sóc cây trồng từ khi gieo giống đến quá trình sinh trưởng đều được điều khiển, quản lý bằng công nghệ.
Theo anh Diệp, trong quá trình sản xuất, từ việc ghi nhật ký trồng trọt, đến công đoạn tưới kết hợp bón phân và quản lý cây trồng đều được thực hiện trên chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính. Từ thực tế của trang trại, anh Diệp cùng các đồng sự mày mò nghiên cứu, viết phần mềm xử lý rồi tự cài đặt để sử dụng.
Bây giờ, anh có thể thong dong, suốt nhiều ngày không cần đến vườn, nhưng tốc độ phát triển của cây trồng, hoặc cây trồng bị bệnh anh được “báo cáo” từng lúc; tưới tắm, bón phân cho cây trồng cũng được điều khiển qua điện thoại.
“Từ giai đoạn ươm cây giống, công nghệ đã giúp tôi nắm bắt từng giai đoạn phát triển của cây. Nó cho tôi biết trong ngày thứ nhất hạt giống nẩy lá mầm lên được bao nhiêu phân. Những ngày sau đó, máy điện thoại cập nhật chiều cao của cây giống phát triển, lá thật có bao nhiêu lá, vòng thân của cây con to bao nhiêu. Tất cả những thông số nói trên được ghi hết vào nhật ký, khi cần, tôi chọn hạng mục và gõ vào là nó hiện ra hết trên điện thoại để mình theo dõi”, anh Diệp cho hay.
Theo anh Diệp, bộ cảm biến nhiệt độ và bộ cảm biến sâu bệnh giúp ích nhiều nhất cho chủ nhà vườn. Ví như chủ nhà vườn thiết lập nhiệt độ trong nhà màng là 30 độ C, mức nhiệt độ phù hợp để cây trồng phát triển. Khi nắng nóng, nhiệt độ trong nhà màng tăng lên trên 30 độ C, lúc ấy bộ cảm biến nhiệt độ lập tức hoạt động, truyền lệnh cho bộ xử lý. Bộ xử lý sẽ điều khiển hệ thống phun sương hoặc hệ thống máy quạt tự động bật lên nhằm làm giảm nhiệt độ trong nhà màng hạ xuống ngưỡng cần thiết.
Bộ cảm biến sâu bệnh hại được mặc định một số dấu bệnh, vết bệnh cây trồng hay mắc. Khi cây trồng mắc bệnh, nó sẽ báo ngay lên điện thoại để chủ nhà vườn xử lý. “Ví như bộ cảm biến phát hiện được bệnh thán thư của cây trồng qua nhận biết dấu bệnh, vết bệnh sẽ báo cho bộ xử lý. Khi đó, bộ xử lý sẽ báo ngay lên điện thoại của tôi vị trí cây trồng bị bệnh rất cụ thể. Trong nhà màng của tôi hiện trồng 16 hàng đôi cây dưa lưới, tức là 32 hàng đơn. Khi có cây bị bệnh, bộ cảm biến báo đích xác cây bị bệnh nằm vị trí số mấy, hàng nào, vậy là tôi tìm đến đó mà chăm sóc cho cây trồng bị bệnh”, Diệp nêu ví dụ.
Hệ thống tưới nhỏ giọt trang trại của anh Diệp cũng hoạt động thông qua bộ điều khiển trung tâm gồm bộ lọc và hệ thống châm phân. Từng loại phân cần bón cho cây trồng được pha sẵn theo từng loại trong 2 bồn, bồn A và bồn B. Đến giờ tưới, hệ thống tưới tự bật, từng loại phân trong từng bồn sẽ chảy qua bồn mẹ tùy liều lượng đã được hệ thống mặc định.
Tham khảo:>> https://chuyendoisodoanhnghiep.info/review-top-10-cong-ty-tu-van-chuyen-doi-so-tot-nhat-viet-nam/
Máy bơm chính sẽ hút tất cả lượng phân trong bồn mẹ đưa ra tưới cho cây trồng, nên anh Diệp đỡ được việc pha chế phân để tưới cho cây trồng hằng ngày. Nước tưới từ bồn mẹ đưa ra tưới cây đi qua bộ bù áp để điều chỉnh liều lượng, do đó, tất cả các cây đều được hưởng cùng 1 lượng nước tưới, trong đó đã pha sẵn lượng phân như nhau nên phát triển rất đồng đều.