Để thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số song song với cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thương mại nhằm tạo động lực cho xuất khẩu hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững.
Đó là giải pháp quan trọng được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần khôi phục và phát triển kinh tế” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/12.
Xuất khẩu tăng trưởng nhờ chuyển đổi số
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt con số 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 và nhập khẩu ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Như vậy, cán cân thương mại năm 2021 tiếp tục xuất siêu với con số khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.
Đáng chú ý, dự kiến năm nay có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020. Cùng với đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến. Đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu cũng như cán cân thương mại thặng dư. Dự kiến năm 2021, tỷ trọng nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt 86,1% trong tổng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Sản xuất trang thiết bị y tế xuất khẩu tại Công ty TNHH Terumo Việt Nam, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lý giải về nguyên nhân để đạt được kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân tích, chính sự chuyển đổi mạnh mẽ của hoạt động XTTM đã hỗ trợ tích cực cho sản xuất và xuất khẩu. Đáng ghi nhận, trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ, nhân rộng các mô hình, phương thức XTTM mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giúp DN xuất khẩu thuận lợi. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng các phiên giao thương trực tuyến với đối tác xuất nhập khẩu đã trở thành một giải pháp hữu hiệu, giúp cho việc kết nối với khách hàng vẫn được duy trì thường xuyên liên tục.
Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, cùng hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt DN thực hiện XTTM trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số. “XTTM trên môi trường số đã trở thành giải pháp hiệu quả giúp DN xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua” – ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Tháo gỡ khó khăn, đổi mới phương thức xúc tiến xuất khẩu
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2022 thị trường thế giới có nhiều khởi sắc khi nhu cầu tăng, sản xuất bắt đầu hồi phục là cơ sở tốt cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa thể đánh giá được tác động của biến thể Omicron tới thị trường thế giới hiện nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam Bartosz Cieleszynsky nhận định, sau một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA), xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã tăng trưởng khả quan vào thị trường EU. Đây cũng có thể coi là một công cụ quan trọng giúp các DN xuất khẩu của châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của dịch Covid-19 và gián đoạn cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Bartosz Cieleszynsky cũng cho rằng, thị trường EU với 500 triệu dân rất tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe và người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Do vậy, các DN Việt Nam cần chủ động và nhanh nhạy thích ứng với thị trường để biến thách thức thành cơ hội, lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để chinh phục thị trường.
Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất, Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, chính sách phát triển hạ tầng logistics để Hà Nội triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại. Cùng với đó, tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình XTTM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng.
Đồng thời, tích cực hướng dẫn về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên tình hình thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Với mục tiêu nỗ lực phục hồi ngành thủy sản xuất khẩu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, Bộ Công Thương tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn. Song song với đó, cần tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B, để từng bước tiếp cận và thâm nhập các thị trường tiềm năng như: Nga, Australia, Mexico…
Đặc biệt là cần thiết có một cổng thông tin quốc gia về XTTM để quảng bá những ngành xuất khẩu mũi nhọn để hỗ trợ thiết thực cho DN trong giai đoạn phát triển hậu Covid-19. Về giải pháp trước mắt, hiệp hội khẩn trương xây dựng dữ liệu, kết nối nhà cung cấp thông qua nền tảng cổng thông tin hiện có của hiệp hội để đẩy mạnh cho việc quảng bá ngành thủy sản hiệu quả hơn.