Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại.
Diễn đàn số cho các HTX nông nghiệp
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cũng như các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, công nghệ truyền thông trong kinh doanh là xu thế mà các hợp tác xã (HTX) không thể đứng ngoài và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội. Đó là nhu cầu cũng như yêu cầu quan trọng đối với việc phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, minh chứng rõ nhất cho quan điểm này chính là trong khoảng thời gian 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, cung ứng nông sản.
“Tuy nhiên, những HTX đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học đều không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vẫn tiếp tục duy trì quảng bá chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã tiết kiệm được nhiều loại chi phí trong khi cuộc khủng hoảng diễn ra”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Cũng theo ông Thịnh, thời gian qua, với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, phát triển các HTX năng động, hoạt động hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, định hướng chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2030.
Nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả, xác thực, Bộ NN-PTNT chuẩn bị xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 – 2025 làm cơ sở phát triển, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với từng lĩnh vực, vùng miền trên cả nước.
Trên cơ sở danh sách các HTX nông nghiệp do các tỉnh, thành phố đề xuất tham gia lựa chọn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổng hợp, lựa chọn dự kiến 100 HTX nông nghiệp điển hình, đặt tên là Nhóm Coop.66 và triển khai ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 giúp các HTX gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể.
Ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 hoạt động như một diễn đàn dạng mở dành riêng cho cộng đồng HTX, cho phép các HTX có thể dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí, tương tác trực tiếp đến cơ quan quản lý địa phương, các nhóm chuyên gia bằng hình ảnh, video, clips, videocall, gọi thoại, tin nhắn nội bộ linh hoạt, dễ dàng.
Ngoài ra, ứng dụng Coop.66 còn cung cấp các tiện ích hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá, thương mại tiêu thụ, tiếp nhận các thông tin cảnh báo bất lợi nông nghiệp, thị trường, giá cả, chính sách hỗ trợ, văn bản, công văn mới… đến các tài khoản thành viên thông qua ứng dụng.
Hệ thống được thực hiện tuân thủ các bước an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, phân quyền tiếp cận dữ liệu, quản lý tài khoản, lưu vết, truy xuất thông tin hoạt động của tài khoản người dùng minh bạch bằng công nghệ chuỗi khối (DGK Blockchain Hub).
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số
Ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn liên tục đầu tư, nghiên cứu nâng cấp phát triển và sẽ mở rộng quy mô triển khai đến tất cả các HTX trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất, hình thành cộng đồng chuyển đổi số HTX hiện đại văn minh và chuyên nghiệp.