“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt ra mục tiêu lớn trong chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã đi được nửa chặng đường, bước đầu đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một số kết quả nổi bật bao gồm:
Về nhận thức chuyển đổi số
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, đây là quan điểm đầu tiên được xác định trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Theo đó, với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức về chuyển đổi số trong toàn xã hội đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, để nhận thức về chuyển đổi số đi sâu vào đời sống của mọi người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, làm cho người dân tại địa phương hiểu, hưởng ứng, tham gia vào quá trình chuyển đổi số và trở thành công dân số. Đến nay 100% các địa phương đã thành lập tổng cộng gần 75.000 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 350.000 thành viên. Đây là một trong những điểm mới chưa có tiền lệ trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, qua đó, giúp người dân hiểu và dễ dàng khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ số của chính quyền, doanh nghiệp.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định cho chuyển đổi số
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Ngoài ra, các bộ, ngành khác, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chính sách quan trọng để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số bao gồm Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị định số 59/2002/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ về Quy định về định danh và xác thực điện tử. Như vậy, có thể nói đến thời điểm hiện tại các quy định, chính sách cho phát triển cả 3 trụ cột của Chuyển đổi số quốc gia.
Về xây dựng Chính phủ số
Trong 8 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số đủ điều kiện là 93,65%.
Cổng Dịch vụ công quốc gia: Từ 20/7/2023 đến 20/8/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 608 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 8,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,5 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 2,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 2,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 503 tỷ đồng. Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.448 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 9,1 triệu tài khoản; hơn 233 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 20,7 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 24,5 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng, hơn 15,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7,142 nghìn tỷ đồng; hơn 343 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Về phát triển xã hội số
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển xã hội số trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng các dịch vụ số của chính quyền và doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các địa phương để tổ chức tập huấn trực tiếp về chuyển đổi số cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại các tỉnh trong toàn quốc, xây dựng nội dung và thực hiện phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân miễn phí trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông (Nền tảng One Touch). Đến nay đã có hơn 18 triệu lượt người dân truy cập Nền tảng và tham gia khóa học mở.