“Chuyển đổi số” là từ liên tục được nhắc đến thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có tới hơn 618 triệu kết quả khi tìm kiếm với từ khóa “chuyển đổi số” trên google.
Điều này cho thấy, chuyển đổi số đã không còn xa lạ với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay. Thế nhưng, đâu là nhân tố quyết định cho việc chuyển đổi số thành công tại doanh nghiệp, liệu công nghệ có phải là yếu tố cốt lõi?
Báo cáo mới đây từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ số thời gian qua rất tốt, có tới hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có dịch COVID-19; hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch COVID-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.
Xem thêm:>> Ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế 2021
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, chuyển đổi số không phải vấn đề mới, song trên thực tế vẫn còn khá nhiều tổ chức e ngại, chưa dám bước ra khỏi giới hạn an toàn để thay đổi. Họ không nghĩ rằng đầu tư cho chuyển đổi số là để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng… đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chuyển đổi số hiện nay không phải chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn mà bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử như trước đây khi chưa có thương mại điện tử, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu là sân chơi của các “ông lớn”. Nhưng từ khi có Internet và thương mại điện tử thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đã có cơ hội kinh doanh để vươn ra thị trường thế giới.
Trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, người dân cũng trở nên phụ thuộc và dần quen hơn với các công việc trực tuyến, từ mua bán, học tập, làm việc, đến các cuộc họp đều thông qua công nghệ, trực tuyến.
Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT – ông Hoàng Việt Anh, để duy trì sản xuất, kinh doanh bình thường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì một trong những giải pháp của doanh nghiệp là đầu tư cho chuyển đổi số từ sớm. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu hiểu biết về chuyển đổi số. Không ít người cho rằng, chuyển đổi số chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bản chất của chuyển đổi số là bao gồm môi trường kinh doanh, con người, sau đó mới là hạ tầng công nghệ.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số phải được hiểu là chuyển đổi từ lãnh đạo đến nhân viên, các thủ thủ tục giấy tờ đến máy móc… Có thể kể đến như tự động hóa khối văn phòng, không giấy tờ, làm việc thông qua văn bản, chữ ký số; đảm bảo vận hành kinh doanh và sản xuất trên nền tảng online. Cùng với đó, doanh nghiệp triển khai kết nối với khách hàng, các đối tác cung cấp qua thương mại điện tử; tham gia giới thiệu sản phẩm online, dùng công nghệ để kiểm soát và đảm bảo an toàn trong lao động…
Để chuyển đổi số, cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có những lợi thế, khó khăn nhất định. Với doanh nghiệp lớn, họ có lợi thế về nguồn kinh phí dồi dào, song thách thức lại là kho dữ liệu quá lớn, dẫn tới quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra chậm hơn, ì ạch do tư duy cũ, tổ chức cồng kềnh.
“Còn với doanh nghiệp nhỏ như SKD Việt Nam, chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh chóng hơn nhưng bản thân chúng tôi lại thiếu kinh phí vận hành, thiếu năng lực kỹ thuật số. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu, lựa chọn chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực cũng như có giải pháp dài hơi cho vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Kết nói.
Theo ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia về chuyển đổi số doanh nghiệp, trước khi chuyển đổi số, bản thân nội bộ doanh nghiệp cần phải chuyển đổi nền tảng giao tiếp giữa các nhóm, phòng ban về phương thức liên hệ, làm việc…
Doanh nghiệp có công nghệ nhưng không có năng lực kỹ thuật số như: kỹ năng làm việc trong môi trường số, tư duy số của lãnh đạo doanh nghiệp; xây dựng văn hóa kỹ thuật số và những nhận thức, khả năng ứng dụng công nghệ vào hoạt động của đơn vị minh… thì cũng sẽ rất khó thành công.
Bà Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển Nhân lực DGroup cho hay, với bề dày 13 năm, DGroup đã triển khai nhiều chương trình đào tạo với hàng chục nghìn khóa học, hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm thăm quan kiến tập cho hơn 500.000 doanh nhân và giám đốc của các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước… Hiện DGroup vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chuyển đổi số.
“Có thể nói, công nghệ chỉ là chiếm một phần cốt lõi của thành công. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải xây dựng tổng hòa các yếu tố, gồm: văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa, phân tích và quản lý dữ liệu. Chuyển đổi số cần tính đến một kịch bản dài hơi. Nếu chưa thể, doanh nghiệp có thể tìm ra các vấn đề còn hạn chế nhất hiện tại của mình, để chuyển đổi cho phù hợp nhất, bắt đầu số hoá từ những vấn đề đơn giản nhất”, bà Lê Dung chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành một quốc gia số và đi đầu trong thử nghiệm mô hình và những công nghệ mới.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật, hệ sinh thái cho thương mại điện tử, nền kinh tế số. Về phần doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, trách nghiệm của doanh nghiệp là đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; trong đó tập trung cho những công nghệ mới, chuyển đổi số nhanh chóng.
Nguồn: Tổng hợp
Comments 1