Năm 2021 sắp qua đi đánh dấu một năm thúc đẩy chuyển đổi số khá toàn diện từ công tác quản lý điều hành của các cơ quan chính phủ đến hoạt động tại doanh nghiệp và cả sự chuyển đổi từ phía người dân.
Từ nở rộ đến thống nhất
Trong bối cảnh đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ và gây ra nhiều hệ lụy, vào lúc cao điểm, theo thống kê sơ bộ, cả nước có gần 20 ứng dụng phòng chống dịch từ cấp Trung ương đến các địa phương, của cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp…
Thực tế đó làm phân tán nguồn lực đầu tư, phân tán thông tin, dữ liệu dẫn đến những bất cập về quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ ngành và giữa các địa phương với nhau.
Tháng 9.2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hợp nhất các ứng dụng phòng chống dịch về một đầu mối. Đây là bước điều chỉnh lớn có tính chiến lược và đúng thời điểm. Từ đó, ứng dụng PC-Covid có tính hợp nhất ra đời, cùng với một số ứng dụng tiêu biểu khác của bộ ngành (như VNEID của Bộ Công an) và địa phương (Y tế TPHCM) giúp giảm đầu mối khai báo thông tin.
Bên cạnh ứng dụng là các giải pháp phần mềm như bản đồ COVID-19, khai báo thông tin tại điểm đến, đăng ký tiêm vaccine và tra cứu thông tin tiêm chủng, tìm kiếm cơ sở y tế… tạo ra thêm nhiều tiện ích cho người dân.
Mỗi người dân sử dụng ứng dụng phòng chống dịch được cấp một mã QR cá nhân, tạo nên thói quen sử dụng thuần thục công cụ số mới này, điều mà trước đó nhiều người dân không hề biết tới.
Tham khảo:>> chuyển đổi số ngành y tế
Doanh nghiệp được hỗ trợ mạnh chuyển đổi số
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) – cho biết, trong những tháng cao điểm dịch tại TPHCM, HAWA tổ chức hội thảo, gặp gỡ đối tác, thậm chí đàm phán 1:1 với đối tác nước ngoài đều trên ứng dụng trực tuyến. Nhờ đó, doanh nghiệp vẫn kịp thời nắm bắt được nhu cầu, đơn hàng từ nước ngoài.
Tính đến hết tháng 11.2021, cả nước có hơn 16.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chuyển đổi số. Trong đó, hơn 170.000 doanh nghiệp được giới thiệu, tiếp cận chương trình “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx)” do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng.
Trong đại dịch, doanh nghiệp ngày càng nhận thức được rằng, chuyển đổi số là con đường duy nhất để tăng cường hiệu suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đồng thời khắc phục được những rào cản do dịch bệnh gây ngăn trở.
Đóng góp vào hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp chính là những nền tảng, giải pháp, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số Make in Vietnam. Cụ thể, đã có 23 nền tảng số Make in Vietnam của 22 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình.
Người dân chuyển đổi số trong tiêu dùng
Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, kênh mua sắm online đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với những loại hàng hóa thiết yếu. Ngoài những sàn thương mại điện tử lớn, các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn nhỏ tại TPHCM như Co.opmart, BigC, Aeon, Lotte… đã mở ra đa kênh, như bán hàng qua website, ứng dụng cho tới qua điện thoại.
Theo số liệu nghiên cứu của iPrice Group và SimilarWeb, tổng số lượt truy cập vào top 50 website mua sắm trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 1,3 tỉ lượt, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II/2021.
Tham khảo:>> chuyển đổi số doanh nghiệp
Hành vi mua sắm trực tuyến tăng mạnh và ý thức phòng chống dịch tránh tiếp xúc được nâng cao cũng thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.