Năm 2021 qua đi đánh dấu một năm thúc đẩy chuyển đổi số khá toàn diện từ công tác quản lý điều hành của các cơ quan Chính phủ đến hoạt động tại doanh nghiệp và cả sự chuyển đổi từ phía người dân. Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp các doanh nghiệp từ sống sót đến bứt phá cũng như thêm cơ hội bước ra khỏi khủng hoảng và “cứng cáp” hơn sau đại dịch COVID-19.
Nhìn lại hành trình phổ cập Internet tại Việt Nam
Theo xu hướng, Internet đã trở thành hệ sinh thái của chuyển đổi số trên thế giới nói chung và là trọng tâm trong chỉ đạo của Chính phủ tại Việt Nam nói riêng. Internet phát triển mạnh mẽ, phủ rộng và phổ biến trên khắp lãnh thổ, từ thành thị tới nông thôn, miền núi và hải đảo. Từ 205.000 người dùng trong thời kỳ đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng tại Việt Nam, đến tháng 6/2021, con số đó đã lên gần 70 triệu người, chiếm 70,3% dân số. Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội và xu hướng chuyển đổi số phát triển mạnh.
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dường như đây là một cơ hội để dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam có thể bứt phá mạnh mẽ. Sau hơn 20 năm vào Việt Nam, Internet đã tạo nên sự thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực đời sống, từ làm việc, học hành cho tới vui chơi, giải trí. Dự kiến trong 15 – 20 năm tới, những công nghệ về trí tuệ nhân tạo, mạng Internet kết nối vạn vật (IoT), Big data… chắc chắn sẽ biến đổi rất nhanh, tạo ra những cơ hội lớn để thay đổi cuộc sống của người dùng Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với nền tảng cơ sở hạ tầng Internet, công nghệ số và lượng người dùng kỹ thuật số ngày càng tăng, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số Internet.
Nhận định này được minh chứng thông qua một số nghiên cứu báo cáo về tiềm năng kinh tế Internet Việt Nam gần đây. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021” của Google Temasek và Bain & Company, kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD trong năm 2021.
Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội và xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh.
Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 30%. Sự gia tăng lưu lượng xuất phát từ nhu cầu của người dùng trong bối cảnh giãn cách vì COVID-19, khiến nhiều hoạt động được đưa lên môi trường số. Bên cạnh đó, xu hướng Internet kết nối vạn vật dần trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch COVID-19 sẽ là một yếu tố tác động và góp phần định hình lại nền kinh tế Internet của Việt Nam trong thời gian tới. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, hơn một nửa trong số đó đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. So với trước đại dịch, người tiêu dùng kỹ thuật số đã sử dụng thêm 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch bắt đầu. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Điều này cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.
Dấu ấn chuyển đổi số trong năm 2021
Khái niệm chuyển đổi số (Digital Transformation) xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018, đến nay đã trở thành một từ khóa phổ biến, là vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: “Đại dịch COVID-19 trong năm 2021 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Ông nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh toàn xã hội bị cách ly, giãn cách trong một thời gian khiến các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị gián đoạn, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ, người bệnh không thể tiếp cận các dịch vụ y tế … thì chuyển đổi số trở thành cứu cánh cho Chính phủ, doanh nghiệp, các ngành, địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về chuyển đổi số. Theo đó, các chủ trương, thể chế, chính sách về chuyển đổi số là tương đối đầy đủ, các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành. Đáng chú ý, các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng (góp phần cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19); các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia sớm xác định chuyển đổi số là con đường giúp nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của quốc gia. Hàng loạt các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đã được ban hành như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 01/CT-TTg; Quyết định số 749/QĐ-TTg cho thấy quyết tâm cao nhất của Đảng, Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này.Trong đó, mục tiêu cơ bản và bao trùm của chương trình chuyển đổi số quốc gia là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.
“Đứng trước bối cảnh thách thức và khó lường của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam vượt qua các rào cản, đảm bảo kinh tế và an sinh xã hội, từ đó bứt phá trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế thế giới”, ông Khoa nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Nhận định về những thành tựu trên con đường chuyển đổi số tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: Cho tới nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Cũng trong năm 2021 vừa qua, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu hướng vào việc giải các “bài toán” Make in Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm đưa ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số mạnh mẽ với một thị trường “trẻ”, đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động.
Chuyển đối số – “tấm khiên chắn bão” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo thống kê, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm tới 98,1% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, qua các đợt đại dịch COVID-19 bùng phát, có trung bình 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mỗi tháng, hầu hết trong số này cũng là SMEs. Đây là một thành phần quan trọng nhưng lại dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế.
Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp then chốt giúp SMEs từ sống sót đến bứt phá cũng như thêm cơ hội bước ra khỏi khủng hoảng và “cứng cáp” hơn hậu đại dịch COVID-19.
Ông Cao Hoàng Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI đánh giá rằng: “Quá trình chuyển đổi số vẫn còn là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Nhiều quy trình vẫn chưa được tự động hóa, nhiều phương pháp làm việc thủ công vẫn được duy trì và các doanh nghiệp SMEs đang tập trung vào giải quyết sự kém hiệu quả của các cách làm cũ, họ chỉ mới đang bắt đầu tạo ra một kế hoạch chuyển đổi số và hành trình chuyển đổi số còn rất nhiều việc cần giải quyết”.
Theo ông Cao Hoàng Anh, một số rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số phải kể đến là thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp…
Và để tăng tốc để đi nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đều phải thay đổi cả về tư duy, chiến lược và hành động để có thể chủ động, linh hoạt thích ứng với mọi tình huống. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện về một khách hàng đặc biệt của chúng tôi là công ty Gỗ Trường Thành. Công ty có hơn 13 nhà máy và gần 3.000 cán bộ nhân viên ở trong tâm dịch. Nhưng trong suốt 2 năm vừa qua, công ty đã giữ cho nhà máy không bị đóng cửa 1 giờ nào. Kết quả đó có sự đóng góp của giải pháp Doanh nghiệp xanh – giúp khoanh vùng phạm vi lây nhiễm nhanh chóng theo giời gian thực, phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất. Tôi chắc chắn rằng công nghệ sẽ là lời giải giúp cho doanh nghiệp ở mọi quy mô, mọi lĩnh vực linh hoạt hơn, nhờ thế chúng ta sẽ tái thiết kinh doanh, vận hành sản xuất an toàn hơn. Đó cũng chính là sứ mệnh mà các tập đoàn công nghệ lớn có thể đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình này”.
Chuyển đổi số nên bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp
Các nghiên cứu từ các tổ chức uy tín như Deloitte, MIT hay Capgemini đã chỉ ra rằng: Thay đổi văn hóa doanh nghiệp để thích nghi với giai đoạn chuyển đổi số chính là chìa khóa quyết định sự thành công trong thời đại số của nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Khoa, chuyển đổi số thay đổi cách chúng ta giao tiếp, tương tác, làm việc và đây thực sự là việc không dễ, cần có chiến lược với tầm nhìn dài hạn cũng như các sáng kiến số để triển khai nhanh mang lại hiệu quả tức thì.
“Từ kinh nghiệm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp toàn cầu, chúng tôi đã đúc rút ra rằng để chuyển đổi số thành công cần 3 trụ cột chính là kinh doanh, công nghệ và con người. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ mà là vấn đề thay đổi nhận thức, thói quen và quy trình của mỗi người. Quá trình chuyển đổi số dù nhanh, chậm, toàn diện hoặc chia nhỏ thành từng giai đoạn nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của lãnh đạo và nhận thức của mỗi cá nhân trong tổ chức. Cần phải hình thành được văn hóa số trong doanh nghiệp và chuyển đổi số cần song hành, kết hợp với văn hoá doanh nghiệp – nền tảng tạo ra sự thành công của chuyển đổi số. Một khi tạo dựng được văn hoá chuyển đổi số thì sẽ tạo ra vô vàn những ý tưởng sáng tạo, đột phá về hiệu quả công việc và đảm bảo sức cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp trong dài hạn”,
Tham khảo:>> tư vấn chuyển đổi số
Ông Khoa cũng lấy dẫn chứng từ chính trong nội bộ FPT: “Chúng tôi đã đưa văn hóa chuyển đổi số vào trong từng nhân viên, thường xuyên rà soát xem đâu là những công việc thủ công mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế. Nhờ thế năng suất lao động của cả tập đoàn tăng 15% trong năm nay. Và từ những thay đổi như vậy, 11 tháng vừa qua doanh thu của tập đoàn FPT đã tăng trưởng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những kết quả rất đáng tự hào. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy mãnh liệt của chuyển đổi số chỉ khi thực sự linh hoạt và kịp thời thích nghi với thay đổi và những điều mới mẻ”.
Bảo Bảo