Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam
Theo thống kê, Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Dự kiến, trong 10 năm tới, “Công dân thế hệ số”, những người sinh ra trong giai đoạn 1980 – 2012 sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam ở năm 2030. Quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng là động lực chính thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Quá trình này càng được thúc đẩy nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.
Trong 2 năm đầu của dịch bệnh 2020 – 2021, hầu hết các doanh nghiệp phải đương đầu với khó khăn thử thách, không chỉ do sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng mà còn ở khâu vận hành, hậu cần, chuỗi cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi số, đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ vào vận hành, kinh doanh, giao hàng… lại ngày càng trở nên cấp thiết.
Kết thúc năm 2021, dù thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng không cao nhưng vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngày càng cao, các chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, ngành bán lẻ Việt sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Theo khảo sát của Sapo về triển vọng bán lẻ năm 2022, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm mới.
Sapo cũng dự báo, trong giai đoạn sắp tới, có hai xu hướng lớn sẽ chi phối ngành bán lẻ tiêu dùng cả nước. Xu hướng thứ nhất chính là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến nhằm đáp ứng thói quen mới của người tiêu dùng sau đại dịch.
Nghiên cứu của Facebook và Bain Company cho thấy, tỷ lệ chi tiêu dành cho các kênh offline đang dần thu hẹp. Người tiêu dùng đã bắt đầu chọn kênh online để mua sắm, sau khi tìm hiểu, so sánh thông tin sản phẩm trên kênh này. Theo dữ liệu từ iPrice, Shopee và Lazada là những trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam với lượt truy cập hàng tháng trong quý 3/2021 lên đến 77,8 triệu và 21,4 triệu. Việc đưa các gian hàng lên các trang thương mại điện tử sẽ giúp các công ty bán lẻ và nhà phân phối mở rộng tệp khách hàng và tăng doanh thu bán hàng từ các tệp khách hàng mới này.
Tham khảo:>> Giải pháp chuyển đổi số trong ngành bán lẻ
Thứ hai là hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn từ năm 2021- 2025. Riêng kênh thương mại hiện đại sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 35-40% tổng mức bán hàng vào năm 2025.
Masan và hành trình tăng tốc chuyển đổi số
Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh số hóa, hiện đại hóa kênh bán lẻ và đạt được một số thành tựu ban đầu. Đơn cử là Masan – doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng hàng đầu cả nước.
Masan là một trong số các doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi số. Năm 2021, Masan đã tăng tốc số hóa, hiện đại hóa kênh bán lẻ khi quyết định bắt tay cùng Alibaba – doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Châu Á. Thỏa thuận với Lazada – nền tảng thương mại điện tử của Alibaba ở khu vực Đông Nam Á, giúp Masan tiếp cận tệp khách hàng của trang e-commerce này đồng thời giảm chi phí thu hút khách hàng mới.
Song song với việc bắt tay cùng “người khổng lồ” thương mại điện tử quốc tế, Masan cũng chủ động số hóa hệ sinh thái tiêu dùng của mình khi mua lại Mobicast, doanh nghiệp sở hữu mạng di động Reddi vào tháng 9/2021. Tập đoàn hiện đang sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như WinCommerce (WCM), Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ 9 triệu khách hàng trung thành tại WCM, 5 triệu người dùng có thu nhập khá giả từ Techcombank, cùng hàng triệu khách hàng trẻ, am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số từ Phúc Long, Masan cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ vào một nền tảng duy nhất.
Gia nhập hệ sinh thái Masan, Reddi là mảnh ghép chính để Masan xây dựng chương trình khách hàng thân thiết nhờ vào chính sách thu hút khách hàng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Chương trình sẽ giúp người dùng tận hưởng các gói dữ liệu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái của Masan. Đây là điểm khác biệt và là ưu thế vượt trội của Reddi so với các nhà mạng di động hiện nay trên thị trường.
Tham khảo:>> Giải pháp công nghệ 4.0 cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết: “Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Bước đi này không chỉ giúp tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) để nâng cao hiểu biết về khách hàng nhằm phục vụ các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Chúng tôi hướng đến xây dựng một nền tảng công nghệ tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời mang đến lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng, cổ đông và đối tác.”
Đánh giá cao quá trình số hóa và triển vọng của Masan, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế như VietCapital Securities, Japan Securities, PetroVietnam Securities và HSBC Research đều dự phóng giá mục tiêu MSN cao, từ 186.000 – 200.000 và khuyến nghị mua./.