Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để khẳng định, căn hộ thông minh sẽ là xu hướng tất yếu, dẫn dắt thị trường nhà ở trong kỷ nguyên số hiện nay.
Trước hết, đây được xem là giải pháp hiệu quả cho bài toán hạn chế ô nhiễm môi trường từ ngành xây dựng đem lại. Bởi song hành với sự phát triển không ngừng của các công trình xây dựng trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng, một lượng lớn thành phần trong môi trường đang dần bị ảnh hưởng, ô nhiễm nặng. Điều này đặt ra bài toán lớn cho quá trình quy hoạch và phát triển đô thị ngày nay.
Theo TS. KTS. Nguyễn Việt Huy, nhiệt độ trái đất đang nóng lên từng ngày, và hậu quả đã được thấy rõ bởi những vụ động đất, bão lũ… Vì vậy, quản lý môi trường đang là yêu cầu cấp bách với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tất cả mọi người, mọi ngành đều phải hành động, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
“Về bản chất, xây dựng không phải là một hoạt động thân thiện với môi trường sinh thái. Đơn cử như hoạt động sản xuất ra xi măng, đá, cát… đến quá trình phá dỡ công trình cũ tạo ra lượng khí nhà kính lớn, phá hỏng bầu khí quyển. Vậy làm sao để ngành xây dựng vẫn phát triển mạnh mà ảnh hưởng ít nhất đến môi trường?”, TS. KTS. Nguyễn Việt Huy đặt vấn đề.
Trả lời cho câu hỏi, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra nhanh chóng kéo theo những tác động xấu tới môi trường từ việc phát triển xây dựng, việc áp dụng các yếu tố thông minh vào từng căn hộ, từng công trình là một giải pháp tất yếu. Điều này đã và đang được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng, đặc biệt tại các nước phát triển.
Cụ thể, theo thống kê của Statista (Đức), số lượng người sử dụng nhà thông minh smarthome tại Mỹ sẽ là 700.000 đến năm 2022 và Mỹ đang là nước đứng đầu thế giới về sử dụng căn hộ thông minh với doanh thu 18 tỷ Đô la Mỹ mỗi năm. Đứng ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc với 6,5 tỷ Đô la Mỹ và Nhật Bản xếp thứ 3. Tốc độ phát triển loại hình căn hộ này được đánh giá sẽ tăng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Nói để thấy, từ lâu các nước trên thế giới đã tính đến giải pháp bảo vệ môi trường thông qua mô hình căn hộ thông minh, xem đây là một xu hướng vừa phát triển đô thị, vừa hạn chế những tác động xấu của lĩnh vực xây dựng tới môi trường sống.
Mặt khác, nhu cầu mong muốn cải thiện chất lượng sống của cư dân những năm gần đây không ngừng tăng cao. Những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại cũng dần hình thành. Điều này tạo nên tiền đề vững chắc cho sự ra đời những căn hộ thông minh.
Về hình thức, sự xuất hiện các căn hộ thông minh sẽ góp phần tạo nên một diện mạo đô thị hiện đại hoàn chỉnh. Về bản chất, mỗi căn hộ thông minh sẽ có vai trò giúp đô thị thông minh được vận hành trơn tru, đáp ứng đa dạng nhu cầu sống của cư dân. Do đó, trong tổng thể một khu đô thị thông minh không thể thiếu những “mắt xích” thông minh.
Nhận thấy được tiềm năng của thị trường căn hộ thông minh, Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” nhằm khẳng định vị thế của bản thân, nhất là trong giai đoạn “chuyển mình” phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, căn hộ thông minh chỉ mới thực sự được biết đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây nhưng đã trở thành một “trào lưu” nhanh chóng “nở rộ”.
Theo TS. KTS. Trần Minh Tùng (Đại học Xây dựng Hà Nội), thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra thì Việt Nam cũng không thể không bắt nhịp cùng xu hướng đó.
Tham khảo:>> Smart City là gì? Tổng quan về thành phố thông minh
“Căn hộ thông minh chính là nhu cầu, xu hướng để phát triển của nhiều dự án chung cư hiện nay. Thực tế cho thấy, không chỉ mỗi chung cư mà gần như mọi vấn đề, thiết bị trong xã hội cũng đang dần được tích hợp hướng đến hiện đại hoá. Các máy móc trong gia đình cũng đang hướng đến “thông minh”, từ ti vi đến máy giặt, tủ lạnh. Vì vậy không có lý do gì căn hộ lại không “thông minh”, KTS. Trần Minh Tùng khẳng định.