Trợ lý ảo Kiki hiện có khả năng trả lời các câu hỏi liên quan đến tri thức về văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về CNTT và truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có buổi họp phổ biến sử dụng trợ lý ảo với các đơn vị trực thuộc Bộ, nhằm tăng hiệu suất giải quyết công việc của cán bộ công chức ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo ông Hà Hải Nam, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Bộ TT&TT), ở góc độ tìm kiếm thông tin thì trợ lý ảo có thể được xem là máy tìm kiếm thông tin thế hệ mới. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất giữa trợ lý ảo và công cụ tìm kiếm thông thường đó là khi ta hỏi một câu hỏi, các máy tìm kiếm thông thường đưa ra rất nhiều câu trả lời, còn trợ lý ảo chỉ đưa ra một câu trả lời trực tiếp, chính xác. “Trợ lý ảo có thể hỗ trợ thực hiện công tác hiệu quả cho cán bộ công chức của Bộ. Trợ lý ảo giúp lưu giữ và chia sẻ tri thức xuất sắc của các chuyên gia giỏi và mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế”, ông Hà Hải Nam nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi họp |
Được biết, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với mạng xã hội Zalo xây dựng Trợ lý ảo Kiki phục vụ cán bộ công chức Bộ TT&TT nhằm hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức thực hiện hiệu quả hoạt động của mình trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ đã lựa chọn phương án xây dựng trợ lý ảo như là một thành phần tích hợp trên nền tảng Zalo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động duy trì, vận hành và cập nhật hệ thống. Tri thức liên tục thay đổi nên cần phải cập nhật thường xuyên. Phát triển và duy trì trợ lý ảo là việc khó, phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian dài và đảm bảo việc sử dụng thuận tiện, đơn giản nhất đối với người sử dụng nên phương án tích hợp được coi là tối ưu nhất.
Được biết, thế mạnh lớn nhất của trợ lý ảo Kiki là hỗ trợ cán bộ công chức trong công tác tìm kiếm số liệu, dữ liệu, tìm kiếm thông tin liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng được cơ sở dữ liệu tri thức ngành với 5.200 câu hỏi liên quan đến 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, những câu hỏi này được xây dựng bởi chính những đơn vị chuyên môn trong Bộ.
Kiki hiện có khả năng trả lời các câu hỏi liên quan đến tri thức về văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về CNTT và truyền thông; Tri thức về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, thông tin cơ bản về lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Tri thức về số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT và truyền thông, các báo cáo chính thức, lịch sử truyền thống của Bộ, của Ngành; Tri thức chuyên ngành thuộc các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Chuyển đổi số, An toàn thông tin mạng. Đối với những câu hỏi mở, Kiki sẽ tìm kiếm thông tin trong các văn bản pháp luật, luật, nghị định, thông tư liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Ngoài ra, Kiki còn có khả năng trả lời các câu hỏi về các kiến thức chung về kinh tế, xã hội dựa trên cơ sở dữ liệu Kibase.
Để sử dụng Trợ lý ảo Kiki, chỉ cần vào ứng dụng Zalo, gõ vào ô tìm kiếm: [email protected] là có thể bắt đầu hỏi và đáp.
Trợ lý ảo Kiki đã được triển khai thí điểm tại Bộ TT&TT từ tháng 9/2021 với sự tham gia đặt câu hỏi và cung cấp câu trả lời của tất cả các cán bộ công chức trong Bộ. Hiện nay, tỉ lệ lượt trả lời đúng của Kiki đã đạt trung bình trên 75%. Đây là một con số rất khả quan. Tuy nhiên, do giới hạn về công nghệ, hiện nay trợ lý ảo vẫn chưa thể trả lời những câu hỏi có tính suy diễn, có tính so sánh hay hội thoại theo ngữ cảnh, các tính năng này sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới, ông Nam cho biết.
Tham khảo:>> Zigbee và Z-wave loại nào tốt nhất cho ngôi nhà thông minh của bạn
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số trong việc phối hợp với Zalo và những đơn vị liên quan nhằm phát triển trợ lý ảo Kiki. Thứ trưởng chỉ đạo mỗi đơn vị thuộc khối tham mưu lập một nhóm công tác để xây dựng cơ sở dữ liệu tri thức cho trợ lý ảo cho lĩnh vực quản lý của đơn vị. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, các dữ liệu khi xây dựng hướng tới phục vụ ưu tiên các nhóm sử dụng: Lãnh đạo Bộ, cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân hỏi. Trợ lý ảo hoạt động theo cơ chế “càng sử dụng càng thông minh”, do đó các đơn vị, cán bộ công chức của Bộ càng hỏi Kiki nhiều thì Kiki sẽ càng thông minh và càng hỗ trợ hiệu quả hơn trong công việc.